Quý I/2022, bất động sản tiếp tục hấp dẫn vốn FDI đăng ký mới
Bất động sản đã vươn lên vị trí số 2 trong số 15 ngành đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2022 với 599,9 triệu USD, theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD.
Vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đó là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 599,9 triệu USD, chiếm 18,7%; các ngành còn lại đạt 422,7 triệu USD, chiếm 13,1%.
Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore (626,6 triệu USD, chiếm 19,5%); Trung Quốc (379,5 triệu USD, chiếm 11,8%); Đài Loan (219,9 triệu USD, chiếm 6,8%); Đặc khu hành chính Hồng Kông - Trung Quốc (191,7 triệu USD, chiếm 6%).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng Cục Thống kê, đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Như vậy, từ vị trí thứ 3 trong năm 2021, trong quý I/2022, ngành bất động sản đã vươn lên vị trí thứ 2 trong thu hút vốn đầu tư FDI. Cho thấy đây tiếp tục là lĩnh vực ưa thích của các nhà đầu tư ngoại khi vào Việt Nam.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực bất động sản. Đó là, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Nhờ đó, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định cần thiết.
“Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản các khu công nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam đã đầu tư và đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế - văn hóa thuận tiện giữa các vùng trong nước.
Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế quản lý cũng như chính sách mở cửa ngày càng sâu rộng và quyền của nhà đầu tư nước ngoài được luật pháp quan tâm một cách đầy đủ khi các nhà đầu tư FDI được quyền mua bất động sản ở Việt Nam theo những chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam cũng làm cho nguồn vốn FDI tăng lên”, ông Thịnh khẳng định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quá trình thu hút FDI cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lựa, tính toán và phù hợp với quy hoạch.
Để thị trường phát triển lành mạnh, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Vietnam cũng khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì việc cải cách môi trường đầu tư trong nước một cách phù hợp để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Việc xác định chính xác các vấn đề lớn của thị trường và tìm cách giải quyết sẽ giúp khơi thông nút thắt. Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chi phí trong đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt đối với việc thu hút đầu tư.
Thêm vào đó, hệ thống hạ tầng cũng cần được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển sôi động hơn. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bất động sản phải đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ mới… Những nỗ lực này sẽ giúp thị trường tiếp tục phát triển vững chắc, tạo đà thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2022./.