Siêu DN 500.000 tỷ góp vốn bằng công nghệ: Định giá thế nào?

Theo luật sư, doanh nghiệp góp vốn bằng công nghệ thì công nghệ ấy phải được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và định giá.

Tại buổi livestream ngày 27/8, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh - CEO của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu với vốn điều lệ đăng ký ban đầu 500.000 tỷ đồng cho biết, đã nhận được văn bản của Sở KH-ĐT TP.HCM về việc thúc đẩy góp vốn đăng ký kinh doanh cho công ty.

Ông chủ "'siêu doanh nghiệp" cho biết đã làm việc với bộ phận tài chính của công ty để triển khai công việc này trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, vị này không tiết lộ con số vốn góp tới thời điểm này là bao nhiêu và thời điểm nào sẽ góp đủ vốn 500.000 tỷ đồng.

"Chúng tôi sẽ góp vốn bằng công nghệ, gồm phần mềm công nghệ, ứng dụng công nghệ và cố gắng làm sao để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết, đồng thời tiết lộ thế mạnh của doanh nghiệp này là công nghệ Flatform 5.0 mà chưa nhiều người biết đến.

Trao đổi với Đất Việt về trường hợp này, Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, quan điểm của Luật Doanh nghiệp 2020 là hậu kiểm nhằm tạo điều kiện, môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó không cấm đăng ký số vốn điều lệ. 

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, Luật sư Tám lưu ý, tài sản góp vốn là loại tài sản nào thì các thành viên của công ty phải có biên bản thống nhất. Còn về phía cơ quan chức năng, với quan điểm hậu kiểm, thì vẫn phải kiểm tra xem có phải là vốn "khống" hay không, có mang tính lừa đảo, bịa đặt? Nếu góp vốn bằng công nghệ thì bằng sáng chế công nghệ ấy đã được công nhận chưa? Công nhận ở đâu?...

Siêu DN 500.000 tỷ góp vốn bằng công nghệ: Định giá thế nào? - Ảnh 1
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, ông chủ "siêu doanh nghiệp" 500.000 tỷ trong lần họp báo hồi tháng 6/2021

"Góp vốn bằng công nghệ thì công nghệ ấy phải có bằng sáng chế, được đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ và phải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thì mới coi là sản phẩm của doanh nghiệp. Còn nếu copy công nghệ của người khác thì đó là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bao giờ được pháp luật thừa nhận. Tất cả những vấn đề này đều phải được thẩm tra và hoàn toàn có thể được", Luật sư Trương Xuân Tám nói và cho biết, theo quy định, chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.

"Cơ quan chức năng không kiểm tra trước khi đăng ký, nhưng doanh nghiệp đăng ký rồi mà sau 90 ngày mà không góp đủ vốn, hoặc góp đủ thì bằng biên bản nào, nếu kiểm tra mà phát hiện thấy không đúng, có dấu hiệu gian dối, lừa đảo thì Sở KH-ĐT phải có công văn, đề nghị công an xác minh.

Điều này cho thấy không phải bất cứ cá nhân, tổ chức nào khi thành lập doanh nghiệp cũng có thể "hét" vốn trên trời hay nói một cách khơi khơi, kể cả có công bố trên mạng, livestream thì cũng phải chịu trách nhiệm về lời công bố của mình", Luật sư Trương Xuân Tám chỉ rõ.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lưu ý đến vấn đề định giá tài sản góp vốn. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Liên quan đến "siêu doanh nghiệp" 500.000 tỷ đồng, trong lần livestream hồi tháng 6/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết, bản thân không có tiền, đi xe máy, ở nhà cấp 4.

Ngoài việc đăng ký vốn 500.000 tỷ đồng cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh còn là đại diện pháp luật của một công ty vốn khủng khác là Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn cầu với vốn đăng ký 25.000 tỷ đồng.

Thành Luân

Theo Đất Việt