Tin nóng bất động sản tuần qua: lại xôn xao vụ ‘siêu doanh nghiệp’ 128.000 tỷ; T&T Group muốn làm KĐT du lịch 50.400 tỷ
Hé lộ thông tin ‘ông chủ’ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ, Tập đoàn T&T muốn làm KĐT hơn 50.000 tỷ tại Hà Tĩnh, Sunshine Homes thâu tóm dự án 5.000 tỷ, Hưng Thịnh đề xuất mở rộng ranh giới lập quy hoạch phân khu tại Lâm Đồng lên gần 6.000ha, Bình Thuận yêu cầu dừng giao dịch 3 dự án "khủng" để phục vụ điều tra,… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.
Ông chủ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ bán tạp hóa
Sau vụ doanh nghiệp vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, tuần qua, dư luận lại được dịp xôn xao trước thông tin về một "siêu doanh nghiệp" vốn 128.000 tỷ đồng.
Theo số liệu được Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội gửi Cổng thông tin đăng ký kinh doanh, Bộ KH-ĐT: "Siêu doanh nghiệp" gần 128.000 tỷ đồng ban đầu (tháng 11/2018) chỉ là doanh nghiệp 132 tỷ đồng do 5 cá nhân sáng lập là ông Bùi Văn Việt (nắm 18% vốn điều lệ), bà Phạm Thị Thành (nắm 36% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hậu (nắm 18% vốn điều lệ), ông Đỗ Công Đảng (nắm 18% vốn điều lệ) và ông Trần Đức Thủy (nắm 10% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, trao đổi trên báo chí về ông Bùi Văn Việt - người được cho là ông chủ của "siêu doanh nghiệp", một lãnh đạo Công an xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết: Hiện gia đình ông Việt đang ở trong thôn Yên Trường, ông này là người kinh doanh tạp hóa bình thường, vì thế thông tin ông góp vốn hàng chục đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho một doanh nghiệp tại Hà Nội là chuyện hết sức bất ngờ.
"Ông này là người bình thường, có phải đại gia, doanh nhân gì đâu. Nếu có chính quyền biết ngay, ông này hiện chỉ ở nhà, xe ô tô không có", đại diện Công an xã Trường Yên nói.
Tập đoàn T&T muốn làm KĐT hơn 50.000 tỷ tại Hà Tĩnh
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn số 5120 gửi Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và các sở, ngành liên quan về dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh sẽ xem xét đề xuất triển khai dự án sau khi quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
Dự án vùng Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí Đảo Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam sẽ là quần thể dịch vụ thương mại, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp có quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Quy mô dự án rộng 464,9 ha thuộc xã Xuân Giang (huyện Nghi Xuân). Tổng mức đầu tư dự kiến 50.403 tỷ đồng.
Sunshine Homes thâu tóm dự án 5.000 tỷ
Theo tìm hiểu, Sunshine Homes (thương hiệu bất động sản của Sunshine Group) đang trong quá trình hoàn tất thủ tục thâu tóm giai đoạn 2 của siêu quần thể nghỉ dưỡng the Empire của Tập đoàn Thành Đô...
Đây là khu đất vàng ven biển hiếm hoi còn sót lại trên đường Trường Sa - cung đường ven biển tỷ đô đẹp nhất Đà Nẵng.
Được biết, tổng diện tích của khu đất này lên tới 21ha. Khu đất có 1 mặt giáp biển, 1 mặt giáp đường Trường Sa. Toàn bộ dự án nằm cạnh thiên đường nghỉ dưỡng đẳng cấp Quốc tế Naman Retreat Đà Nẵng và đối diện với siêu đô thị nghỉ dưỡng Cocobay từng một thời “làm mưa làm gió” tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng.
Dù chưa công bố giá trị chính xác thương vụ chuyển nhượng, tuy nhiên theo thông tin hé lộ, sau khi về tay Sunshine Homes, doanh nghiệp này sẽ triển khai xây dựng một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp tiêu chuẩn 6 sao quy mô 5.000 tỷ đồng tại đây với tên gọi Sunshine Heritage Đà Nẵng I.
Hưng Thịnh đề xuất mở rộng ranh giới lập quy hoạch phân khu tại Lâm Đồng lên gần 6.000ha
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản lấy ý kiến về việc Công ty cổ phần tập đoàn Hưng Thịnh đề nghị thống nhất ranh nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Theo đó, Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất mở rộng ranh lập quy hoạch phân khu tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) với diện tích lên đến 5.985ha.
Cụ thể, theo văn bản Hưng Thịnh gửi UBND tỉnh Lâm Đồng phần diện tích mới bao gồm 432 ha khu vực núi Sapung, TP Bảo Lộc đã UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho Hưng Thịnh nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực núi Sapung ngày 5/3/2020.
Diện tích 2.168 ha tại khu vực xã Lộc Châu, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc và xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho Hưng Thịnh nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 vào ngày 2/6/2021 và diện tích mở rộng thêm khoảng 3.385 ha.
Trước đề xuất của Hưng Thịnh, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhằm có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, Sở này đề nghị các Sở, ngành, TP, huyện liên quan có ý kiến đối với đề xuất của Hưng Thịnh gửi về Sở Xây dựng trước ngày 26/8/2021 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Bình Thuận yêu cầu dừng giao dịch 3 dự án "khủng" để phục vụ điều tra
Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận vừa ban hành văn bản gửi đến các tổ chức hành nghề công chứng đề nghị tạm dừng giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà đối với 4 công ty gồm: Công ty Cổ phần Rạng Đông; Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Công ty Cổ phần Tân Việt Phát và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải liên quan đến 3 dự án là: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2; dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (TP Phan Thiết).
Sở Tư pháp cho biết, việc tạm dừng giao dịch tại 3 dự án trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận nhằm thực hiện yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra dấu hiệu sai phạm.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản đề nghị UBND TP Phan Thiết cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện 9 dự án trên địa bàn, gồm: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Khu du lịch dã ngoại, phường Mũi Né; Khu du lịch Xuân Quỳnh, phường Mũi Né; Dự án Sea Links Mũi Né; Dự án lấn biển phường Đức Long; Dự án đất ở thương mại hơn 92.600 m2 đất gồm các lô đất sô 18, 19, 20 phường Phú Hài; Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, phường Hưng Long; Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, phường Phú Thủy; Dự án xây kè chống xâm thực biển, phường Đức Long.
HoREA: 'Toàn quốc có hàng trăm dự án không thể triển khai do không được công nhận chủ đầu tư'
Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo nghiên cứu rà soát một số quy định “bất cập” của Luật Nhà ở 2014”
Theo đó, qua nghiên cứu rà soát, Hiệp hội nhận thấy một số quy định của Luật Nhà ở 2014 không thống nhất và không phù hợp với các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.
Cũng theo HoREA, một số quy định của Luật Nhà ở 2014 vừa làm thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vừa làm hạn chế cơ hội tạo lập nhà ở của nhiều hộ gia đình và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Dẫn chứng, HoREA cho biết tại TP Hồ Chí Minh, chỉ thống kê trong 3 năm, kể từ ngày 10/12/2015 (Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực) đến tháng 08/2018 đã có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có quyền sử dụng đất 100% đất ở.
HoREA cũng nhận định số lượng dự án không được công nhận chủ đầu tư thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, do từ tháng 09/2018 đến hết năm 2020, các nhà đầu tư không có quyền sử dụng đất 100% đất ở đã không nộp hồ sơ nữa, vì có nộp cũng bị bác bỏ.