Siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng: Có bất thường?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần kiểm tra vốn thực của doanh nghiệp, nếu có, việc tìm hiểu nguồn gốc nguồn tài chính khủng cần đặt ra.
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn cầu gây xôn xao dư luận với vốn khủng gần 128.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Cục Thuế TP Hà Nội, từ thành lập từ cuối năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này chưa phát sinh doanh thu, không sử dụng hóa đơn.
Trụ sở đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này là số 143 Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của báo chí, chỉ là điểm rửa xe. Tổng Giám đốc của "siêu doanh nghiệp" - ông Bùi Văn Việt, theo xác nhận của Công an xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chỉ là người kinh doanh tạp hóa bình thường.
Cổ đông ngoại của doanh nghiệp này - ông David Aristotle Phan (ở Mỹ), người có 40% tại Toàn Cầu (tương ứng 51.161 tỷ đồng), theo thông tin tự giới thiệu trên LinkedIn, là Chủ tịch kiêm CEO của Sophy Investments Ltd..
Trao đổi với Đất Việt về "siêu doanh nghiệp" này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đặt câu hỏi về số vốn thực của Toàn Cầu là bao nhiêu, cơ quan chức năng đã kiểm tra, làm rõ?
Theo ông Thịnh, mức xử phạt các hành vi vi phạm về đăng ký đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam quá thấp, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ "siêu to, khổng lồ" mà không hề gặp khó khăn gì. Điển hình là vào năm 2020, có một doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC.
Tới năm 2021, riêng một cá nhân tên Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) đã đứng tên đại diện pháp luật của hai doanh nghiệp có số vốn đăng ký lần lượt là 25.000 tỷ đồng (Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động toàn cầu) và 500.000 tỷ đồng (Công ty CP Tập đoàn Đầu tư công nghệ tự động toàn cầu), trong khi bản thân người này chia sẻ là không có tiền, đi xe máy, ở nhà cấp 4.
Số 143 Trích Sài, nơi đăng ký trụ sở doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 128.000 tỷ đồng. Ảnh: NLĐ |
Bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn khủng đến mức khó tin nên ông Thịnh cho rằng, việc kiểm tra, giám sát đối với những doanh nghiệp này càng trở nên cấp thiết hơn vì nó gây số liệu ảo, làm khó hình dung về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Còn trong trường hợp có nguồn tiền thực, việc điều tra tìm hiểu nguồn gốc của nguồn tài chính khủng cũng cần đặt ra, phòng tránh nguy cơ rửa tiền.
"Cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm với hoạt động của doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, với những doanh nghiệp đăng ký vốn quá lớn như thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký, cấp phép kinh doanh, cơ quan thuế cần trực tiếp kiểm tra, giám sát để xem lượng vốn thực của doanh nghiệp là bao nhiêu, có hoạt động đúng với mục đích, yêu cầu và ngành nghề mà họ đăng ký kinh doanh hay không, mức nộp thuế hàng năm bao nhiêu... Doanh nghiệp tăng vốn khủng rồi để đấy, không phát sinh doanh thu, không sử dụng hóa đơn... là điều không bình thường.
Khi doanh nghiệp có vốn cực lớn nhưng lại không có kho bãi, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh tương ứng, không thể loại trừ khả năng những doanh nghiệp được thành lập ra để tiến hành các hoạt động làm phương hại đến nền kinh tế, như mua bán hóa đơn, rửa tiền, chuyển tiền thông qua các hợp đồng mua bán giả...
Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu cơ quan quản lý nhà nước làm chặt chẽ, kiểm tra tốt thì tránh được những hiện tượng này và sẽ phát hiện ra ngay", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Trong trường hợp chủ thể góp vốn vào doanh nghiệp có tên trong 'danh sách đen" có khả năng trốn thuế, rửa tiền, theo vị chuyên gia, Việt Nam cần có hành động kiểm tra, làm rõ.
Theo đó, ngoài việc tự xem xét, kiểm tra, Việt Nam có thể đề nghị các tổ chức quốc tế phối hợp để kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư để tránh hậu quả về sau.
"Việt Nam rất cần vốn để đầu tư phát triển kinh tế và kêu gọi các nhà đầu tư đến Việt Nam, nhưng nếu chúng ta biết nhà đầu tư nào đó nằm trong "danh sách đen", bị nghi ngờ có hoạt động rửa tiền, trốn thuế... mà không có kiểm tra, giám sát đầy đủ thì chính chúng ta sẽ cũng sẽ gặp rủi ro.
Trong trường hợp đã có thông tin cổ đông ngoại của Toàn Cầu có tên trong "Hồ sơ Panama", cần cẩn trọng kiểm tra xác minh thông tin và xem xét có vấn đề gì hay không", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.
Trao đổi với báo Người lao động, bà Phạm Thị Thành (65 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), cổ đông nắm giữ 36% vốn điều lệ "siêu doanh nghiệp" Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu từ ngày thành lập cho biết, bà có quen biết ông Phan (tức David Aristole Phan - PV), hiện đang sinh sống ở Mỹ. Ông Phan có đề cập đến mong muốn đầu tư tại Việt Nam, muốn chuyển vốn về để đầu tư hạ tầng ở Việt Nam, một số công trình lớn như sân bay.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu được thành lập với vốn điều lệ 132 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông.
"Chúng tôi thành lập công ty với mong muốn có nguồn vốn từ ông Phan để đầu tư, tất cả vì mục đích mang lại lợi ích cho đất nước, người dân", bà Thành nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi về số vốn mà bà Thành và các cổ đông khác đã góp vào công ty, bà này cho biết: "Chúng tôi chưa góp đồng nào, tất cả đều chờ ông Phan về nước. Tôi đăng ký nắm giữ 36% vốn điều lệ, nhưng chưa góp đồng vốn nào, các cổ đông khác cũng vậy, chúng tôi chỉ đăng ký vai trò cổ đông mà thôi".
Bà Thành thừa nhận số tiền gần 128.000 tỷ đồng (5,5 tỷ US) là số tiền rất lớn. "Khi ông Phan đề cập đến số vốn muốn góp về Việt Nam lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, tôi có hỏi anh làm gì mà nhiều tiền như vậy, ông Phan trả lời hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Số tiền ông sở hữu còn gấp nhiều lần như vậy.
Ông Phan nói rằng chỉ mong muốn đưa được vốn về đầu tư tại Việt Nam, góp ích cho Việt Nam. Đối với các cổ đông của công ty, hiện chưa ai góp vốn, khi ông Phan đưa tiền về đầu tư, khi đó sẽ góp hộ vốn cho các cổ đông. Khi công ty đi vào hoạt động, các cổ đông chỉ "làm công ăn lương".