Sổ hồng căn hộ thời hạn 50-70 năm: Nhà mặt đất sẽ là "hàng hot"?
Căn hộ chung cư từng là “hàng hot” trên thị trường bất động sản vì là lời giản cho “bài toán” nhà ở tại đô thị “đất chất người đông”. Song, nếu như giới hạn thời gian sử dụng chung cư chỉ còn 50 - 70 năm, phân khúc căn hộ chung cư có thể bị “soán ngôi” bởi phân khúc nhà liền thổ.
“Tài sản truyền đời” nhưng không được sử dụng “trọn đời”
Câu chuyện sửa đổi Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng gần đây thu hút được sự quan tâm của dư luận. Bởi, trong đề cương sửa đổi luật này, Bộ Xây dựng đã đề xuất thay đổi thời hạn sử dụng nhà chung cư, không còn lâu dài như trước đây mà rút lại chỉ còn trong 50 - 70 năm.
Đối với nhiều người ao ước sở hữu một căn hộ chung cư để an cư lạc nghiệp thì đây là thông tin chẳng mấy vui. Đối với người Việt Nam, ngôi nhà được xem là “tài sản truyền đời” cho con, cho cháu. Nhưng nếu đề xuất trên của Bộ Xây dựng được chấp thuận thì căn hộ chung cư không còn là “tài sản truyền đời” nữa vì không được sử dụng “trọn đời”.
Về lý thuyết, đề xuất này đưa ra nhằm mục đích hỗ trợ quá trình di dời cư dân đang sinh sống tại các dự án chung cư xuống cấp, giúp bảo vệ sự an toàn cho người dân sống tại đây. Không thể phủ nhận đề xuất này mang đến mặt tích cực xã hội và quản lý quy hoạch đô thị. Tuy nhiên cũng không thể không xem xét đến những tác động tiêu cực của đề xuất này đối với thị trường BĐS.
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, xét trên góc độ quy hoạch tại các đô thị lớn, chung cư là lời giải được áp dụng trên toàn cầu cho bài toán nhà ở tại các đô thị nén (đô thị có mật độ dân cư cao trong khi diện tích nhỏ). Nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa vào thực tế, người dân có thể sẽ không ở thành phố mà chuyển sang các khu vực có BĐS liền thổ nhằm tối ưu nguồn lực tài chính mình bỏ ra.
"Bất động sản luôn được hiểu là tài sản có giá trị gia tăng trong tương lai. Nếu đề xuất này được áp dụng, trong tương lai có khả năng dẫn đến xu hướng người dân sẽ không chọn chung cư mà chuyển sang mua nhà phố hoặc các đơn nguyên ở ngoài để đảm bảo giá trị lâu dài của tài sản. Do đó, điều này sẽ khiến tính thanh khoản của thị trường căn hộ sẽ bị ảnh hưởng", TS Sử Ngọc Khương nói.
Ông Khương cũng chỉ ra vướng mắc trong đề xuất này. Cụ thể, trong trường hợp căn hộ chung cư hết sử dụng 50 - 70 năm theo quy định, trong trường hợp công trình bị tháo dỡ thì tại thời điểm đó, việc định giá đất sẽ được được thực hiện và tính toán chia lại như thế nòa để trả lại cho người dân cũng chưa được quy định.
Bỏ tiền tỷ mua nhà mà ngỡ đi thuê nhà trả trước
Mặc dù chỉ mới là đề xuất nhưng nhiều chủ sở hữu căn hộ chung cư tỏ ra không đồng thuận với đề xuất này của Bộ Xây dựng.
Anh N.T.A (TP.HCM) cho rằng, nếu đề xuất này được áp dụng thì những người bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ chung cư mà tâm thế giống như đang đi thuê nhà dài hạn.
“Việc mua căn hộ chung cư thực chất là đi thuê căn hộ và có quyền ở hoặc cho thuê hay bán lại trong vòng 50 năm. Thậm chí còn ngắn hơn vì hiện nay nhiều chủ đầu tư chậm trễ trong tiến độ xây dựng. Điều này chẳng khác nào bạn bỏ một cục tiền mặt để đi thuê nhà của chủ nhà là chủ đầu tư dự án.”
Anh A cho rằng, với đề xuất này, người đi thuê chung cư còn chủ động hơn là người bỏ tiền ra mua căn hộ.
“Trong trường hợp thuê căn hộ chung cư, nếu vì lý do nào đó tôi phải chuyển chỗ ở, tôi chỉ việc chấm dứt hợp đồng thuê và dọn đi nơi khác. Còn nếu tôi mua căn hộ chung cư nhưng thực là đang đi thuê 50 đến 70 năm theo như đề xuất này, thì nếu như tôi mẫu thuẫn với hàng xóm và muốn chuyển nơi ở, tôi vẫn phải chịu đựng ở tiếp hoặc phải bán lại với giá thấp hơn do tuổi thọ công trình giảm dần. Đây là bất cập rất lớn.”
Đồng quan điểm này, chị H.T.K.Y (TP.HCM) cho biết: “Người dân làm việc chăm chỉ cả đời mong ước mua được một ngôi nhà vừa để an cư, vừa để lại cho con cháu. Nếu chỉ cho sở hữu 50 - 70 năm thì chúng tôi khác gì đi thuê, thay vì trả hàng tháng thì phải trả cả cục tiền. Người dân sẽ không mặn mà mua nhà chung cư làm gì mà chuyển sang mua đất xây nhà. Như vậy sẽ đẩy giá đất lên cao, khi đó nhà nước có muốn quy hoạch lại cũng khó.”