Làn sóng treo băng rôn đòi sổ hồng tại nhiều chung cư

Bức xúc trước việc đến ở nhiều năm vẫn chưa có sổ hồng, cư dân tại nhiều dự án chung cư trên địa bàn TP.HCM đã căng băng rôn đỏ rực khắp các ban công để kêu cứu đến cơ quan chức năng, yêu cầu chủ đầu đối thoại và giải quyết các vấn đề tồn tại... 

Theo đó, những băng rôn đỏ rực với dòng chữ “trả sổ hồng cho cư dân” đã tạo thành một làn sóng và thậm chí là “chiến dịch” đòi sổ hồng.

Trước thực trạng cư dân tại nhiều dự án chung cư trên địa bàn thành phố bức xúc đến nỗi căng băng rôn đòi chủ đầu tư cấp sổ hồng. Gần đây, UBND TP.HCM đã phải ban hành văn bản số 1440 về việc kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Chậm trễ giao sổ hồng cho cư dân là vấn đề nhức nhối tại nhiều dự án chung cư trên địa bàn TP.HCM  
Chậm trễ giao sổ hồng cho cư dân là vấn đề nhức nhối tại nhiều dự án chung cư trên địa bàn TP.HCM  

Liên tiếp nhiều chung cư đỏ rực băng rôn đòi sổ hồng của cư dân

Một cư dân tại chung cư Saigon Gateway (tọa lạc ngay mặt tiền Xa Lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức) phản ánh, mình đã mua và dọn đến sống tại một căn hộ trong khu chung cư này từ năm 2019.

Mặc dù khi chào bán, bên môi giới là công ty Đất Xanh Miền Nam và chủ đầu tư là công ty Hiệp Phú Land không ngớt hứa hẹn sẽ có sổ hồng. Nhưng cho đến nay “chưa thấy sổ đâu”. Quá bức xúc và cho rằng mình bị lừa đảo, cư dân này và nhiều cư dân có chung tình cảnh khác tại đang sinh sống tại Saigon Gateway đã căng băng rôn lên ban công căn hộ của mình để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

“Cư dân chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra và làm rõ để tháo gỡ những vướng mắc, xử lý các sai phạm để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người mua chung cư như tôi.” Cư dân này chia sẻ.

Cũng có chung tình cảnh như các cư dân tại Saigon Gateway là cư dân tại chung cư Lexington, TP. Thủ Đức. Người dân ở đây cho biết, dự án này được chào bán từ năm 2014 nhưng đến nay người dân vẫn mòn mỏi chờ ngày được cấp sổ hồng. Nhiều cư dân tại khu chung cư này thậm chí chua xót ví mình đang “ở trọ” chứ chẳng phải được sống trong căn hộ mình đã bỏ hàng tỷ đồng mua.

Vấn đề chậm trễ trong việc cấp sổ hồng cho cư dân mua căn hộ tại các chung cư chưa bao giờ hết nhức nhối tại TP.HCM.

Trong quá khứ, không ít trường hợp cư dân tự tập căng băng rôn đòi “trả nợ” sổ hồng gây xôn xào dư luận thành phố. Có thể kể ra trường hợp của của chung cư 4S Linh Đông của chủ đầu tư Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc diễn ra vào năm 2020. Cư dân tại đây cho biết, họ đã sống hơn 50 tháng mà không được cầm sổ hồng trong tay, trong khi theo luật thì sau 50 ngày kể từ ngày bàn giao chủ đầu tư phải tiến hành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng.

Không có sổ hồng, cư dân bỏ tiền tỷ mua nhà mà ngỡ “ở trọ”  
Không có sổ hồng, cư dân bỏ tiền tỷ mua nhà mà ngỡ “ở trọ”  

Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia bất động sản (BĐS) cho biết, hầu hết các dự án chậm cấp sổ hồng cho cư dân là những dự án chủ đầu tư chưa thực hiện đã chào bán để huy động vốn từ người dân thông qua hình thức trả góp theo tiến độ dự án. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư “vốn mỏng” đem thế chấp dự án trước khi cháo bán. Cá biệt có những chủ đầu tư còn liều lĩnh thế chấp dự án ngay cả khi cư dân đã dọn đến sống.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tình trạng chậm giao sổ hồng cho cư dân chỉ xuất hiện tại các dự án xây dựng theo Luật nhà ở năm 2013. Lý do phổ biến nhất là chủ đầu tư cầm cố dự án trong ngân hàng. Ngoài ra, nhiều dự án xây dựng trái phép, xây dựng “chui”, sai phạm trong chuyển đổi công năng...

Rất cần cơ quan chức năng vào cuộc

Chậm giao sổ hồng tại nhiều tòa chung cư ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của cư dân. Không có sổ hồng, cư dân dù bỏ tiền tỷ ra mua chung cư mà cứ ngỡ mình đi thuê nhà. Những cư dân đang gặp phải hoàn cảnh này rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để tháo gỡ những vướng mắc, qua đó nhanh chóng xử lý để bàn giao sổ hồng càng sớm càng tốt.

Theo chuyên gia BĐS, điều quan trọng là cư dân sống tại các dự án chung cư cần nâng cao vai trò và ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình. Người dân phải có trách nhiệm và chủ động tham gia các hội nghị nhà chung cư để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đầy đủ những quyền lợi chính đáng của mình. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải có ý thức tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin liên quan đến pháp lý của các dự án trước khi bỏ tiền “mồ hôi nước mắt” mua nhà chung cư, tránh tình trạng mua và dọn về ở rồi mới phát hiện các sai phạm của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu (HoREA) cho biết, theo sửa đổi trong các thông tư của Bộ Xây dựng thì có đề cao vai trò của UBND cấp phường. Cho nên các chủ sở hữu nhà chung cư cần có quan hệ mật thiết với UBND cấp phường, với tổ dân phố để thực hiện đầy đủ quyền của mình.

Về phía đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo Nghị định 139/2017 có quy định chính quyền địa phương kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm.

"Có vi phạm thì phải xử lý, nếu vượt quá thẩm quyền thì phải đề nghị cơ quan cấp trên. Thẩm quyền có thể là Chủ tịch UBND quận và cao hơn là Chủ tịch UBND tỉnh. UBND cấp phường, xã là cơ quan địa phương, phải giúp việc, kiểm tra và báo lại cho quận", đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, đợt kiểm tra, rà soát lần này được tiến hành từ nay đến hết tháng 7/2022. Thành phố sẽ tiến hành kiểm tra quyết liệt hơn 1.000 chung cư trên địa bàn.

Thành phố mong muốn sau đợt kiểm tra, rà soát lần này sẽ giảm hình ảnh người dân tụ tập, căng băng rôn đỏ rực ở nhiều chung cư làm xấu bộ mặt đô thị, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của thành phố. Đồng thời góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân đang sống tại các dự án chung cư.

Theo Chất lượng và Cuộc sống