Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM báo cáo Bộ Công An về "siêu công ty"
Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cho biết, đã báo cáo Bộ Công an và Công an TP.HCM, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh của một số cá nhân tại hàng loạt doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ lên đến 525.100 tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Ngày 1/6/2021, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cho biết, đã báo cáo Bộ Công an và Công an TP.HCM, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh của một số cá nhân tại hàng loạt doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ lên đến 525.100 tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn. Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mọi người đang cực kỳ bận rộn để khắc phục hậu quả thì sự cố tình làm sai để đùa giỡn pháp luật là rất vô ý thức nên cần thiết phải báo cáo Bộ Công an và Công an TP.HCM.
Từ đầu tuần nay, các cơ quan quản lý lẫn người dân đều quan tâm đến việc có doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 5 với vốn điều lệ khủng. Đó là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower có vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) làm đại diện pháp luật.
Công ty được đánh giá có mức vốn còn lớn hơn cả Vingroup hay Vietcombank và là công ty cá nhân trẻ tuổi làm chủ đã gây được sự chú ý của dư luận. Doanh nghiệp này đăng ký 15 ngành nghề kinh doanh, trong đó lĩnh vực chính là lập trình máy vi tính. Ngoài ra, còn có một số ngành nghề khác như in ấn; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; sản xuất linh kiện điện tử; bán lẻ đồ điện gia dụng; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.
Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi), thường trú tại TP Thủ Đức, TP HCM. Công ty có 3 cổ đông gồm bà Nguyễn Thị Diễm Hằng (góp vốn1 tỉ đồng), ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (góp vốn 499.998 tỉ đồng) và ông Lê Hữu Thiện (góp vốn 1 tỉ đồng).
Tuy nhiên theo thông tin trên truyền thông, ông Quốc Anh mở tới 17 công ty, nhưng chỉ có 20 nhân sự, địa chỉ đăng ký tại tòa nhà Bitexco hiện cũng chỉ mới đăng ký pháp nhân chứ chưa thuê vì làm việc mảng công nghệ thì làm tại đâu cũng được, không cần địa chỉ văn phòng.
Các công ty của ông Quốc Anh đứng tên đăng ký bên cạnh công ty này còn có Công ty CP Tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu (GAB Group) vốn 25.000 tỉ đồng trụ sở tại Tầng 72, Tòa nhà Landmark 81 và Công ty CP Tập đoàn công cụ tự động toàn cầu (tên viết tắt GAT, địa chỉ tại 109 Đường số 3, P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM) với vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Đáng chú ý, cả 3 công ty trên đều do một cá nhân là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh thành lập mà còn có chung ngành kinh doanh chính là lập trình vi tính (chi tiết: sản xuất phần mềm); sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; tư vấn, xử lý dữ liệu và quản trị hệ thống máy vi tính…
Trên thực tế trong thời gian qua có nhiều ứng dụng (app) cho vay qua mạng của nhiều công ty cũng đăng ký ngành nghề kinh doanh như cả 3 công ty nêu trên. Ví dụ, ứng dụng cho vay Vamo (vamo.vn) giới thiệu được quản lý và vận hành bởi Công ty TNHH VIACONTO. Trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH VIACONTO cũng đăng ký ngành nghề kinh doanh là hoạt động tư vấn quản lý; lập trình máy vi tính (phần mềm); xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy tính; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống.
Hay dịch vụ Tamo.vn được giới thiệu do SoFi Solutions quản lý và công ty này đăng ký ngành kinh doanh gồm hoạt động tư vấn quản lý; lập trình máy vi tính (phần mềm); xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy tính; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống. Còn ứng dụng cho vay trên mạng doctordong.vn thuộc Công ty TNHH MTV tư vấn tài chính LGC cũng đăng ký một số ngành ngành gồm hoạt động tư vấn quản lý; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính. Câu hỏi được đặt ra là liệu công ty của ông Quốc Anh có kinh doanh dưới hình thức app cho vay tiền tương tự hay không?
Về mặt luật pháp, việc đăng ký kinh doanh là bình thường, nhưng người đăng ký kinh doanh phải thực hiện và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Người thành lập doanh nghiệp phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Phí và Lệ phí đăng ký doanh nghiệp hiện nay đang được điều chỉnh bởi Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ công ty sẽ bị xử lý theo quy định. Khoản 5 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 đã có quy định nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Đồng thời, quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP nêu rõ, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trong quá khứ đã từng có những công ty đăng ký thành lập và khai khống số vốn ban đầu. Tháng 1/2020, một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD) - một con số gần như không tưởng khi là mức vốn điều lệ lớn thứ ba cả nước ở thời điểm đó, chỉ sau các tập đoàn PVN, EVN và tương đương tổng vốn điều lệ của bốn ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cộng lại, thậm chí còn lớn hơn vốn điều lệ của Viettel (đạt xấp xỉ 141.000 tỷ đồng), chiếm tới 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.
Ngay khi cấp phép thành lập doanh nghiệp này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để giám sát. Sau đó, qua thực tế theo dõi, Cục đã chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh của TP. Hà Nội kiểm tra doanh nghiệp này. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy, chủ doanh nghiệp USC Interco đã sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký doanh nghiệp. Ngày 14/4/2020, Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP. Hà Nội đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đã cấp cho USC Interco, chính thức "khai tử" doanh nghiệp này. Một trong những cổ đông của USC Interco cho biết đây là con số đăng ký nhầm do "say rượu" và công ty này đã biến mất sau đó.