Sau hai năm thua lỗ, Đức Long Gia Lai muốn đổi tên công ty và lên kế hoạch lãi 50 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 dự kiến diễn ra ngày 19/6 tới. Theo đó, tại đại hội ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai ( DLG) sẽ trình cổ đông thông qua việc đổi tên doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Đức Long Gia Lai được thành lập vào tháng 9 năm 1995, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư đa ngành nghề tại Việt Nam. Giai đoạn 2015-2020, Tập đoàn Đức Long Gia Lai tập trung chủ lực vào 5 lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Bất động sản, Cơ sở hạ tầng, Năng lượng, Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và Nông nghiệp.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ mới được công bố, HĐQT Đức Long Gia Lai trình ĐHCĐ về việc đổi tên công ty từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long. Tên giao dịch là Tập đoàn Đức Long, tên viết tắt là DL Group.
Phía Đức Long cho biết, việc đổi tên để phù hợp với tầm nhìn, tính lan tỏa của công ty mang tính toàn cầu, không bó gọn trong một địa phương, thu hút vốn đầu tư từ đối tác để thay đổi vận mệnh công ty.
Ngoài việc đổi tên thì các thông tin khác của công ty vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó tại ĐHĐCĐ lần này LDG cũng sẽ thông qua việc miễn nhiệm đối với 2 thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm. Cụ thể là ông JaeGyun Kim và ông Nguyễn Hồng Sơn (đều có đơn từ nhiệm đính kèm). Như vậy sau khi miễn nhiệm 2 thành viên trên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022 của DLG sẽ gồm: ông Bùi Pháp – Chủ tịch HĐQT, ông Trần Cao Châu – thành viên HĐQT, ông Lê Đức Kỳ – thành viên độc lập HĐQT, ông Võ Mộng Hùng – thành viên độc lập HĐQT và ông Paul Anthony Murphy – thành viên HĐQT.
Về tình hình kinh doanh của DLG, năm 2020, doanh thu thuần cả Tập đoàn Đức Long Gia Lai đạt 2.039 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2019. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh113% lên mức 437 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 75% lên 225 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí, Tập đoàn Đức Long Gia Lai báo lỗ ròng gần 930 tỷ đồng trong năm 2020. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cổ phiếu DLG được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE đến nay, DLG có kết quả kinh doanh lợi nhuận âm. Như vậy doanh thu thực hiện năm 2020 của DLG chỉ đạt 81,4% so với kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Phía Đức Long Gia Lai cho biết nguyên nhân dẫn đến việc kết quả kinh doanh không đạt chỉ tiêu đề ra là do: Tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng hầu hết các doanh nghiệp trong cả nước, tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của DLG. Trong dó, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tại nhà máy AnSen (Trung Quốc) thuộc Công ty Mass Noble (Hồng Kông), nhà máy HanBit (Hàn Quốc) và nhà máy điện tử tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài ra các lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hạn hán, thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp, kéo dài nhiều tháng trong năm, nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, dẫn đến nhiều hồ chứa thủy điện nguồn nước cạn kiệt, công suất phát điện rất thấp; đồng thời các trang trại nông nghiệp: Chè, cao su, cà phê,… năng suất và sản lượng rất thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của công ty.
Bên cạnh đó các dự án cao su đã đến thời kỳ khai thác nhưng giá bán mủ cao su quá thấp, không đủ bù đắp chi phí. Do đó, Tập đoàn DLGL chủ yếu tập trung đầu tư hoạt động quản lý, chăm sóc để duy trì vườn cây và quản lý tài sản, hoạt động tổ chức khai thác kinh doanh không thể tổ chức thực hiện được và kéo dài nhiều năm qua.
Cũng như các dự án BOT bị giảm doanh thu so với kế hoạch do không được tăng phí 3 năm tăng phí 1 lần 18% theo lộ trình tại hợp đồng BOT đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe lưu thông trên các tuyến đường giảm sút do giãn cách xã hội dẫn đến doanh thu, lợi nhuận giảm đáng kể ở lĩnh vực này.
Về lĩnh vực bất động sản: Phía DLG cho biết thủ tục pháp lý các dự án đã và đang triển khai đầu tư tại TP Hồ Chí Minh và một số dự án bị chậm tiến độ do ảnh hưởng bởi cơ chế, chính sách của Nhà nước có nhiều sự thay đổi. Nhiều dự án của Tập đoàn ĐLGL hiện nay vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đưa vào khai thác; đồng thời phần lớn các dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Kết thúc năm 2020 tổng tài sản của DLG giảm 838 tỷ đồng (4,5%) so với năm 2019. Đồng thời các khoản phải trả ngắn hạn năm 2020 tăng 272 tỷ đồng so với năm 2019, các khoản phải trả dài hạn tăng 267 tỷ đồng so với năm 2019.
Về định hướng chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch 3 năm 2021-2023 của tập đoàn, Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ tiếp tục kiên định với các ngành nghề chiến lược như đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, BT, BOO; đầu tư năng lượng (thủy điện, điện mặt trời, điện gió); sản xuất điện tử và thiết bị điện tử; đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở và khu đô thị; sản xuất kinh doanh nông nghiệp..
Trên cơ sở đó, trong năm 2021, Đức Long Gia Lai dự kiến doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng thu về 50 tỷ đồng sau 2 năm liên tiếp báo lỗ. Năm 2022 và 2023 dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 20-25%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã được bổ sung quy hoạch và được cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư như dự án nhà máy điện gió Ia Boòng – Chư Prông, Ia Pếch – Ia Grai, Ia Blứ 1 và Ia Blứ 2, Các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, dự án đường Tam Tân và Nút Xoay An Hạ TP Hồ Chí Minh, dự án bất động nghỉ dưỡng tại các tỉnh miền trung,…
Đồng thời DLG cũng sẽ đẩy mạnh tiến độ thi công và hoàn thành đầu tư các dự án thủy điện Tân Thượng, dự án khách sạn Đức Long 1 tại Gia Lai, cùng với đó tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cấu trúc tài chính công ty, thoái vốn các dự án kém hiệu quả, tập trung nguồn vốn để thực hiện thành công các dự án tiềm năng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG hiện còn giá 2.840 đồng/cổ phiếu chốt phiên 28/5, giảm gần 12% trong vòng 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch khá cao với bình quân gần 7 triệu đơn vị mỗi phiên.