Sự phô diễn của các loại kiến trúc
Cuối năm 1997, thành phố Hải Phòng khởi công xây dựng dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Ngã Năm – sân bay Cát Bi.
Ở Hải Phòng, những miếng đất ven đường Lê Hồng Phong đang khiến không ít người thèm muốn. Đây là đường trục chính của khu đô thị Ngã Năm – sân bay Cát Bi – nơi có lượng giao dịch bất động sản lớn nhất, thu hút nhiều vốn đầu tư nhất tại Hải Phòng.
Bỗng dưng giàu
Cuối năm 1997, thành phố Hải Phòng khởi công xây dựng dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Ngã Năm – sân bay Cát Bi. Dự án có tổng vốn đầu tư (ban đầu) hơn 1.880 tỉ đồng, diện tích thu hồi là trên 300ha đất của chín phường thuộc hai quận Ngô Quyền và Hải An.
Một con đường rộng tới 64m, nối từ sân bay Cát Bi vào trung tâm Hải Phòng, bây giờ được đặt tên là đường Lê Hồng Phong. Khi khởi công, đường Lê Hồng Phong và khu đô thị đi qua khu vực còn đậm chất... nông thôn. Các phường đều có hợp tác xã nông nghiệp, đa số cư dân bản địa đều được chia ruộng, sống trong làng, canh tác nông nghiệp là một trong những nguồn thu nhập chính.
Đường Lê Hồng Phong và dự án khu đô thị Ngã Năm – sân bay Cát Bi đã tạo ra sức sống mới cho khu vực chín phường mà nó đi qua. Một hệ thống cơ sở hạ tầng mới như đường, điện, cấp thoát nước... khá tốt đã hình thành. Tại khu đô thị này có siêu thị lớn nhất Hải Phòng, có rạp chiếu phim hiện đại, trung tâm mua sắm, khu biệt thự, khu nhà phố, và nhất là rất gần cảng, sân bay, trung tâm thành phố... Những gì đang có ở dự án này, giờ mặc nhiên được coi là “chuẩn mực” cho sự giàu có ở Hải Phòng.
Hiện tại, đất tại khu đô thị này được săn lùng nhất, giá đắt cỡ nhất nhì của Hải Phòng. Người ta đã dọn đi thành công khu đầm ao tù đọng, xoá sổ những “xóm liều” dọc bờ mương Đông Khê để xây dựng khu đô thị mới, quy mô phục vụ cho 20.000 hộ dân. Đất đã biến nhiều nông dân trước kia trở thành tỉ phú ngày nay. Đất đã kéo thêm nhiều tỉ phú từ nơi khác chọn dự án làm nơi trú chân, tìm lợi nhuận.
Về đầu tư, đã có hơn 3.000 tỉ đồng, vượt xa con số dự toán ban đầu (1.880 tỉ đồng), được đổ vào dự án. Kèm theo đó là hàng chục ngàn tỉ đồng phát sinh mỗi năm từ các hoạt động giao thương, mua bán bất động sản tại đây. Tiền ấy đã hình thành nên khu đô thị có hoạt động tấp nập, sôi động nhất của Hải Phòng. Nếu chỉ nhìn từ khía cạnh đầu tư thuần tuý bằng tiền, thì tại dự án khu đô thị Ngã Năm – sân bay Cát Bi, hoàn toàn có thể nói Hải Phòng đã mất rất ít vốn đầu tư để có được nhiều nhất giá trị gia tăng từ dự án.
Thành công nửa vời
Nhưng nếu hiện đại và văn minh là tiêu chuẩn cần có với một dự án khu đô thị mới, thì tại Ngã Năm – sân bay Cát Bi, Hải Phòng mới thành công chưa được nửa. Giàu có là biểu hiện ở đây ai cũng nhìn thấy, nhưng văn minh thì chưa chắc. Do dự án đã kéo dài tới 14 năm chưa có ngày kết thúc, nên số hộ dân phải giải toả trong vùng dự án ảnh hưởng đã từ 2.000 hộ ban đầu vọt lên tới hơn 10.000 hộ. Nguyên nhân là do người dân đã chia tách hộ để được hưởng đền bù cao hơn.
Thiếu đất cho tái định cư là thực tế có thật, dù thành phố đã phải mở rộng diện tích khu tái định cư, bổ sung thêm dự án xây dựng chung cư tái định cư. Tuy nhiên, trong khi những chung cư ấy vẫn vắng người ở dù đã hoàn thành, thì những tập đơn khiếu kiện đất cứ dày mãi lên trên bàn những cán bộ quản lý của địa phương. Kèm theo đó là hàng loạt tranh chấp cười ra nước mắt giữa cha con, anh em, hàng xóm... với nhau mà nguyên nhân chỉ bắt nguồn từ đất.
Việc thực hiện dự án kéo dài tới tận 14 năm nhưng đến nay chỉ khoảng 70% diện tích toàn dự án có quyết định thu hồi, khoảng 50% diện tích được giải toả, bàn giao cho chủ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng cũng chỉ cần từng ấy thôi đã là một cơn bão quét sạch “tàn tích” xưa cũ trong cả khu vực. Bây giờ trên đường Lê Hồng Phong, có nhiều quán thịt chó chứ không có cổng làng. Con trâu không còn lý do tồn tại trên con đường này, thay vào đó là những chiếc ôtô đỗ đầy bên các công trình xây dựng. Bạt ngàn biển quảng cáo thay cho vườn tre, xoan xưa cũ…
Đất được cấp, không kèm các yêu cầu bắt buộc về xây dựng, kiến trúc đã làm bức tranh tổng thể toàn dự án mang màu xám xịt. Trong các khu tái định cư, các kiểu nhà ống với đủ loại diện tích, kiến trúc mọc lên không thống nhất về chiều cao, số tầng, kiến trúc, màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng...Các khối nhà lộn xộn và loè loẹt ấy lại được đặt ngay cạnh các công trình xây dựng cao tầng được coi là “điểm nhấn” kiến trúc của dự án. Trong khi đó, có rất nhiều khu đất hiện vẫn chưa có công trình xây dựng, cũng như có những khu biệt thự đã nhiều năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” vì không có người mua. Tất cả những điều đó tạo thành bài hợp ca không tiết tấu của quy hoạch, kiến trúc tại khu đô thị mới Ngã Năm – sân bay Cát Bi.
Tại dự án này, có loại lâu đài đường bệ xây cạnh biệt thự mang vẻ diêm dúa với mái vòm tạo hình như củ hành. Chen vào giữa là một biệt thự kiến trúc hiện đại, sắc sảo như đường dao của bà bán thịt. Có toà tháp đôi 18 tầng chơ vơ đứng giữa khu nhà ống ngổn ngang, bên cạnh có thêm “điểm nhấn” là một siêu thị có kiến trúc mô phỏng hình dáng một chiếc tủ bán kem khổng lồ. Hài hoà là khái niệm kiến trúc không cần được tôn trọng, đếm xỉa tới tại đây. Như vậy, kiến trúc chung toàn dự án được biến thành món “lẩu thập cẩm” của các loại du nhập, cải tiến... miễn là vừa mắt chủ nhân.
Vẻ giàu có, phô trương của những nhà ống, cao ốc, biệt thự đang nhộn nhịp “mọc” lên đã lấn át cả những nhu cầu hưởng thụ vốn rất cơ bản: rất ít những công trình ấy có diện tích dành cho cây xanh, tiểu cảnh. Trên toàn dự án, dù các tuyến vỉa hè trên đều trồng cây, nhưng hiện không có nổi 1m2 công viên được xây dựng...
Xây dựng khu đô thị trước tiên là để cải tạo kiến trúc, quy hoạch đô thị và nâng cao điều kiện sống của người dân. Nếu nhìn ở góc độ ấy thì rõ ràng tại đường Lê Hồng Phong, mục tiêu hình thành một khu đô thị văn minh, hiện đại đang bị đặt dưới nhu cầu thể hiện sự giàu có của một số người bằng mọi cách.
Theo Quốc Dũng
SGTT