Sửa đổi Luật Đất đai: Giải quyết vấn đề đất của doanh nghiệp lâm nghiệp phá sản
Góp ý sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Giáo sư Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng cần thu hồi đất của các doanh nghiệp lâm nghiệp phá sản để giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nghị quyết 18-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã xác định: “Chưa giải quyết cơ bản một số vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh”.
Trong phần “Mục tiêu”, Nghị quyết 18-NQ/TW cũng đã đặt ra “Đến 2025 phải giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh”.
Đồng thời, nghị quyết đưa ra giải pháp “Có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất”.
“Từ đây, có thể thấy vấn đề đất nông, lâm nghiệp có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh vẫn đang còn nhiều vướng mắc”, ông Võ nhấn mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường phân tích: Trong quá trình Đổi Mới đất nước, quyết định giao đất sản xuất nông nghiệp của các hợp tác xã cho các hộ gia đình, cá nhân để sử dụng đất ổn định lâu dài là một chính sách lớn.
Nhờ chính sách này, đất nước ta không chỉ không còn thiếu đói mà đã trở thành một quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết các công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích hoạt động chưa hiệu quả, nhiều công ty thua lỗ.
Các công ty đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối sau sắp xếp hoạt động chưa hiệu quả, thiếu hấp dẫn thu hút vốn đầu tư bên ngoài, việc hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường đã có nhưng chưa nhiều.
Đối với các công ty đã chuyển sang mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, một số công ty vẫn chưa cải thiện được tình hình sản xuất, kinh doanh, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông lâm sản, hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Công tác quản lý đất đai dành cho lĩnh vực lâm nghiệp còn bất cập. Việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm không giải quyết được kịp thời.
Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại một số công ty còn phải tiếp tục xử lý, nhất là đối với diện tích khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn chưa cao. Diện tích đất bàn giao về địa phương mới được thực hiện khoảng 50% so với theo phương án được duyệt.
Một số địa phương có quan điểm kết hợp rà soát đất đai để thu hồi đất do các công ty đang sử dụng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, thậm chí giao cho tổ chức khác theo hình thức người sử dụng đất “tự nguyện trả lại đất”, trong khi các công ty đang sử dụng đất này có hiệu quả không muốn bàn giao về địa phương.
Trước thực trạng này, ông Võ cho rằng điều quan trọng hiện nay là quản lý sử dụng đất lâm nghiệp như thế nào cho phù hợp vì rừng vừa có chức năng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, vừa có chức năng bảo vệ đa dạng sinh học, vừa có chức năng bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, và vừa có chức năng sử dụng môi trường rừng để phát triển kinh tế du lịch.
Rất nhiều quốc gia lựa chọn giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số để quản lý và hưởng lợi theo luật tục. Họ được hưởng lợi từ rừng nên bảo vệ rừng như bảo vệ nguồn lợi của họ.
Ông Võ cho rằng, Nhà nước vẫn muốn dựa vào mô hình sử dụng tổ chức của Nhà nước để bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức có thể là ban quản lý rừng, công ty TNHH MTV có 100% vốn Nhà nước hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Mô hình này có nhược điểm Nhà nước phải chi phí rất lớn mà các tổ chức đó cũng không đủ nhân lực để bảo vệ.
“Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Luật Đất đai sửa đổi cần quy định về rừng cộng đồng khi cộng đồng bảo đảm đầy đủ các tiêu chí về luật tục. Vấn đề còn lại là sau sắp xếp lại, các doanh nghiệp trong trường hợp rơi vào phá sản thì Nhà nước thu hồi đất để giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”, ông Võ khuyến nghị.