Sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản: Cần những ý kiến đa chiều và chọn giải pháp “ít tệ nhất”

Tại “Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh BĐS” chiều 28/4, các chuyên gia nhấn mạnh: Sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản cần những ý kiến đa chiều và chọn giải pháp “ít tệ nhất”.

Trong thời gian chờ sửa Luật Đất đai cần có Nghị định sửa đổi

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, sau 7 năm ban hành, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) đã có đề xuất phải sửa cho thấy sức sống của Luật này khá thấp.

Chúng ta cần đặt ra bài toán, phải chăng quy trình làm luật có vấn đề nên chất lượng luật thấp. Mặt khác, luật khung không cần sửa quá nhiều nhưng về nghị định chi tiết lại rất quan trọng, do đó rất cần phải có tham mưu cho phù hợp.

“Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh BĐS”.  
“Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh BĐS”.  

“Về Luật Kinh doanh BĐS, nên chờ sửa Luật Đất đai. Trong lúc chờ nên có các nghị định tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Về các vấn đề vướng mắc liên quan đến condotel, officetel, cũng nên có nghị định sửa đổi’, ông Lực đề xuất.

Nên cập nhật thường xuyên giá quyền sử dụng đất

Chia sẻ tại hội nghị, PGS, TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Thông tin đăng ký đất đai nhà ở và thị trường BĐS hiện theo các thông tin theo quý, năm của Bộ Xây dựng. Đây là kênh thông tin chính thức, thường xuyên nhất hiện nay cập nhật các số liệu báo cáo, đánh giá về thị BĐS.

Bên cạnh đó là những thông tin được triển khai theo Quyết định số 580/QĐ-TCTK ngày 26/7/2018 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê và từ các báo cáo thị trường của một số công ty tư vấn BĐS.

Điều này cho thấy, thông tin đất đai, các báo cáo chính thống hiện vẫn chưa thành các thông tin phổ cập. Các thông tin đất đai, thị trường BĐS vẫn là thông tin cấp theo yêu cầu. Các văn bản mang tính cập nhật và chính thức, công khai đang được hoàn thiện chờ ban hành.

Sự tăng giảm, nóng sốt của thị trường diễn ra thường xuyên nhưng chúng ta vẫn chưa có chỉ số tính toán về nhà đất, thị trường BĐS. Để giải quyết vấn đề này, cần kiện toàn hệ thống thông tin đất đai. Một trong số đó là cập nhật thường xuyên giá quyền sử dụng đất. Đảm bảo việc thông tin đất đai, trong đó có thông tin về giá quyền sử dụng đất phản ánh đúng giá trị thật trên thị trường, ở mọi thời điểm quan sát.

Cần công khai, minh bạch toàn bộ hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đảm bảo loại trừ các yếu tố đầu cơ, thổi giá đối với các địa bàn thông qua việc lên các phương án thu hồi, bồi thường, đền bù, giải tỏa, tái định cư.

PGS, TS Trần Kim Chung phát biểu tại“Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh BĐS”.  
PGS, TS Trần Kim Chung phát biểu tại“Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh BĐS”.  

Ông Chung khuyến nghị các doanh nghiệp nên tham gia có trách nhiệm và đóng góp có hiệu quả đối với việc sửa đổi, bổ sung các luật để tạo lập sự đồng thuận xã hội, sự phát triển của thị trường và sự sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, nhà ở và thị trường BĐS, tạo nên một thị trường BĐS sản phát triển.

Các hộ gia đình cũng cần có những đóng góp với quá trình sửa đổi bổ sung các luật để tạo ra sự đồng thuận xã hội hướng tới phát triển đất nước; nguồn lực đất đai, nhà ở, BĐS được huy động, sử dụng một cách tối ưu.

“Các hiệp hội ngành nghề cần đồng hành với thị trường, đồng hành với các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để đóng góp những ý kiến đa chiều nhằm tạo dựng những quan điểm đúng đối với việc sửa đổi bổ sung các luật hướng tới huy động, sử dụng một cách tối ưu nguồn lực đất đai, nhà ở và BĐS, đóng góp vào phát triển đất nước”, ông Chung nói.

Chọn giải pháp “ít tệ nhất”

Theo chuyên gia pháp lý đầu tư, BĐS Nguyễn Văn Đỉnh, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng nếu cho phép sử dụng đất không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại sẽ giúp doanh nghiệp trục lợi chính sách, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Chúng ta có 3 lựa chọn để xây dựng chính sách. Lựa chọn 1 là chỉ cho phép sử dụng 100% đất ở như Luật Nhà ở năm 2014.

Lựa chọn 2 là quy định như hiện nay, cho phép sử dụng đất khác và có “dính” một phần đất ở.

Lựa chọn 3 là cho phép sử dụng tất cả các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu phù hợp với quy hoạch và đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất.

“Mỗi lựa chọn đều có ưu, nhược điểm riêng và đã được phân tích, đánh giá. Nếu không thể chọn ra giải pháp tốt nhất, ta phải chọn giải pháp “ít tệ nhất”. Với những nhược điểm đã chỉ ra ở lựa chọn 1, 2, tôi cho rằng lựa chọn 3 chính là lựa chọn ít tệ nhất”, ông Đỉnh nói.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam