Tài chính tiêu dùng: Thêm nhiều thương vụ M&A lớn sắp bùng nổ

Do việc cấp giấy phép kinh doanh tài chính tiêu dùng đòi hỏi nhiều đáp ứng nhiều quy định chặt chẽ nên tạo thuận lợi cho việc định giá. P/B trung bình của các giao dịch M&A trong quá khứ là khoảng 2,7 lần.

Báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng của Công ty Chứng khoán Vietcap cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của các khoản vay tiêu dùng giai đoạn 2019-2023 tại Việt Nam đạt 14.7%. Kết quả kinh doanh mảng tín dụng tiêu dùng chạm đáy vào năm 2023 do môi trường lãi suất cao, hoạt động kinh tế kém khả quan, thắt chặt chi tiêu và thanh tra pháp lý đối với các hoạt động thu hồi nợ.

Dư nợ cho vay cho vay năm 2023 của các công ty tài chính tiêu dùng chiếm 5,3% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống, trước đây chiếm khoảng 7-8%.

Lãi suất cho vay trung bình hiện tại của các công ty tài chính tiêu dùng dao động trong khoảng từ 30 - 40%/năm (thay đổi tùy theo từng sản phẩm khác nhau). Quy mô khoản vay trung bình nhỏ hơn 100 triệu đồng. Thời hạn cho vay từ 6 tháng – 36 tháng, mức trung bình là 24 tháng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo những ghi nhận của Vietcap, thị phần cho vay của 7 công ty tài chính hàng đầu trên thị trường trở nên phân tán hơn trong giai đoạn 2019-2023. Trong năm 2019, thị phần của FE Credit là 47%; tổng thị phần của Home Credit, MCredit, HD Saison và Shinhan Finance là 36,8%.

Năm 2023, thị phần của FE Credit là 28%; tổng thị phần của Home Credit, MCredit, HD Saison và Shinhan Finance là 43,7%. Trong đó, FE Credit gần đây đã cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực sau một thời gian tái cơ cấu (giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng giải ngân). MCredit là công ty trẻ với tốc độ mở rộng thị phần cao nhất, còn Home Credit có khẩu vị rủi ro thận trọng nhất.

FiinGroup cho rằng, các công ty nhỏ và vừa sẽ giành được thị phần trong bối cảnh cạnh tranh này. Các công ty tài chính tiêu dùng trong nước được hỗ trợ trực tiếp từ ngân hàng mẹ sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn từ chi phí huy động vốn đến mạng lưới,…

Về xu hướng M&A của ngành, các ngân hàng đang có xu hướng thoái vốn khỏi các công ty tài chính để cải thiện nền tảng vốn và tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi. Do việc cấp giấy phép kinh doanh tài chính tiêu dùng đòi hỏi nhiều đáp ứng nhiều quy định chặt chẽ nên tạo thuận lợi cho việc định giá. P/B trung bình của các giao dịch M&A trong quá khứ là khoảng 2,7 lần.

FiinGroup cho rằng ngành tài chính tiêu dùng sẽ còn đón nhận các giao dịch M&A tiềm năng khác trong tương lai như Tổng Công ty Xi măng Việt Nam dự kiến bán 14,3% cổ phần tại VietCredit, MSB sẽ thoái vốn khỏi TNEX và TPB đang hỗ trợ việc tái cấu trúc HAFIC.

Về triển vọng ngành tài chính tiêu dùng, FiinGroup kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2024, do môi trường lãi suất thấp, các hoạt động xuất nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng cải thiện.

Ngành tài chính tiêu dùng có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhờ tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia APAC, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng (tín dụng tiêu dùng là để mang lại lợi ích cho việc quản lý tài chính thay vì là giải pháp cuối cùng cho các trường hợp khẩn cấp tài chính) và khung pháp lý đang ngày càng được hoàn thiện.

FiinGroup cho rằng các chiến lược chính mà các công ty trong ngành tài chính tiêu dùng cần tập trung tăng cường điểm bán hàng/điểm chạm khách hàng, đa dạng hóa danh mục cho vay, tăng cường quản lý rủi ro và cải thiện nhận thức của khách hàng về tài chính tiêu dùng.

Đồng quan điểm, Vietcap cũng cho rằng lộ trình phục hồi của ngành tài chính tiêu dùng sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi với các yếu tố then chốt cần theo dõi bao gồm chất lượng tài sản (tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ) và NIM. Theo Vietcap, trong danh mục mà công ty chứng khoán này đang theo dõi, các ngân hàng có sự đóng góp đáng kể từ các công ty tài chính tiêu dùng có thể kể đến như VPBank (FE Credit), HDBank (HD Saison), và MB (MCredit) sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành tài chính tiêu dùng trong tương lai.

Hải Đường

Theo VietnamFinance