Tại sao ngân hàng thừa tiền vẫn phải phát hành trái phiếu?

Theo TS Nguyễn Thạc Hoát, một trong những lý do khiến ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu là để huy động vốn trung, dài hạn.

Số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về phát hành trái phiếu riêng lẻ cho thấy, ngân hàng vượt xa so với các doanh nghiệp bất động sản trong huy động trái phiếu.

Theo đó, nhóm doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng 12/2020 là các tổ chức tín dụng, chiếm 55,13% tổng giá trị phát hành. Tiếp đó, các công ty bất động sản chiếm 5,88% tổng giá trị phát hành; các doanh nghiệp xây dựng chiếm 4,38%; các doanh nghiệp sản xuất chiếm 3,78%.

Các doanh nghiệp dịch vụ chiếm 1,61%; các doanh nghiệp chứng khoán chiếm 0,87%; còn lại là các doanh nghiệp khác chiếm 28,35% tổng giá trị phát hành.

Trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Thạc Hoát, khoa Tài chính - Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, trái phiếu bất động sản giảm nhiệt là điều hoàn toàn bình thường bởi cuối năm là thời điểm các dự án bất động sản ít ra hàng, dự án triển khai mới ít, doanh nghiệp bất động sản chưa cần vốn nhiều.

"Bất động sản chuyển động theo nhu cầu của thị trường, bản thân nhà đầu tư cũng phải xem xét, tinh toán xem bất động sản đang ở đỉnh cao, chạm đáy hay giai đoạn nào khác", TS Hoát nói.

Tại sao ngân hàng thừa tiền vẫn phải phát hành trái phiếu? - Ảnh 1
Các ngân hàng dẫn đầu cuộc đua phát hành trái phiếu trong tháng 12/2020

Đối với ngân hàng, xu hướng đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang ở trạng thái "dư thừa tiền" khi hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, cầu tín dụng suy giảm,  thanh khoản dư thừa.

Lý giải điều này, TS Nguyễn Thạc Hoát cho biết, ngân hàng thừa vốn ngắn hạn, nhưng lại thiếu vốn trung và dài hạn, bởi vậy rất tích cực phát hành trái phiếu huy động vốn.

Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho hay, tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn (3-6 tháng). Điều này khiến ngân hàng thương mại mất cân đối trầm trọng về nguồn vốn trung, dài hạn, trong khi cho vay ra thì nhu cầu vốn trung, dài hạn lớn hơn ngắn hạn nhiều.

Vì lẽ đó, ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu với mục đích trước hết là để tăng vốn trung,dài hạn.

Thứ hai, một số ngân hàng có vốn chủ sở hữu ít, mà muốn tăng không phải dễ. Nếu chưa đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) thì ngân hàng không được tăng dư nợ nữa. Do đó, khi ngân hàng phát hành trái phiếu trung, dài hạn mặc dù dư nợ trái phiếu là đi vay, nhưng trái phiếu trung, dài hạn được cộng một tỷ lệ nhất định vào vốn cấp 2 (vốn bổ sung của ngân hàng).

Thứ ba, ở giai đoạn hiện nay, lãi suất tiết kiệm xuống thấp, người gửi tiền muốn rút tiết kiệm ra và điều đó có thể khiến nguồn vốn ngân hàng không ổn định. Chính vì thế, ngân hàng phải tăng nguồn vốn trung, dài hạn bằng cách phát hành trái phiếu trung, dài hạn với lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ngắn hạn. Lãi suất trái phiếu cao, khách hàng sẽ cân nhắc chuyển từ tiết kiệm tiền gửi ngắn hạn sang mua trái phiếu trung, sài hạn. Cách làm này sẽ hút bớt tiền gửi lại, giúp ngân hàng tạo ra tính thanh khoản, ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ những phân tích ở trên, TS Nguyễn Thạc Hoát cho rằng, việc ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu ở thời điểm này là biện pháp cần thiết nhằm củng cố tấm đệm vốn và phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngắc ngoải hay phá sản vì đại dịch Covid-19 thì việc ngân hàng phát hành trái phiếu, nhất là các ngân hàng hoạt động có lãi, khiến người dân càng tin tưởng đầu tư vào kênh này.

Trước lo ngại tình trạng một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo của nhau nhằm tăng quy mô, tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn, làm “cải thiện ảo” hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), TS Nguyễn Thạc Hoát bày tỏ quan điểm, việc ngân hàng mua chéo trái phiếu của nhau là điều bình thường và không ảnh hưởng gì bởi trái phiếu chỉ là tờ giấy vay nợ, còn người mua trái phiếu phải trả tiền thật cho ngân hàng.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong năm 2020, đã có 2.408 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có 2.228 đợt phát hành thành công, tăng 2,46 lần so với năm 2019.

Tổng giá trị phát hành thành công đạt 403,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 69% tổng giá trị đăng ký, tăng 35,9% so với năm 2019 .

Số doanh nghiệp phát hành thành công là 277 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp đã phát hành thành công 345 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

 

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt