Tái xuất cam kết lợi nhuận kiểu Alibaba
Việc cam kết lợi nhuận trong bất động sản đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người mua. Gần đây, hình thức này lại bắt đầu tái xuất trở lại, với mức lợi nhuận được hứa hẹn tương tự như Alibaba trước đây.
Cam kết mua lại lợi nhuận “khủng”
Gần đây, thị trường xuất hiện nhiều bài quảng cáo rao bán các khu đất phân lô, bán nền với mức cam kết mua lại khá hấp dẫn. Đa phần, những khu đất này là đất phân lô nhưng được giới thiệu như một dự án bất động sản, kèm theo nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn và đặc biệt là chiêu cam kết lợi nhuận “khủng”.
Điển hình, một khu phân lô ở thành phố Đồng Xoài được giới thiệu dưới tên Khu dân cư Tiến Thành - Bình Phước, do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Phân phối Bất động sản BTF Land TPC phân phối. Khu đất này được quảng cáo sở hữu nhiều tiềm năng như vị trí địa lý đắc địa ngay trung tâm thành phố, với giá rẻ chỉ từ 600 triệu đồng/nền. Diện tích các nền đa dạng từ 150 - 220 m2 và đã có sổ đỏ hoàn chỉnh 100%.
Một nhân viên môi giới cho biết, sau khi khách hàng mua nền đất thành công sẽ được tham gia chính sách cam kết mua lại với lợi nhuận hấp dẫn 22%, trong vòng 12 tháng. “Anh/ chị mua đất, nếu không có nhu cầu sử dụng thì sau 8 tháng có thể đến bên em ký gửi bán lại và nhận ngay lợi nhuận về tay 22% trên giá trị nền đất đã mua”, nhân viên này nhanh nhảu.
Khi khách hàng thắc mắc về cơ sở nào để khẳng định việc trả cam kết lợi nhuận sẽ diễn ra thuận lợi, nhân viên sales nói rằng, với uy tín của Công ty địa ốc BTF Land, và biên bản cam kết có đầy đủ chữ ký của 2 bên, cộng thêm dấu mộc đỏ của cơ quan công chứng Nhà nước thì chắc chắn không thể có sự “lật lọng”.
Tương tự, một khu đất khác ở khu vực Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng được quảng cáo dưới tên Iris Valley Bảo Lộc, do Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Việt Á (Viet A Real) phân phối cũng xuất hiện hình thức cam kết lợi nhuận lên đến 18%. Theo lời nhân viên môi giới, khu đất này được chia thành nhiều nền với diện tích từ 500m2, 600m2 và 700m2/nền đất. Tất cả hiện là đất vườn thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu (thổ cư lên đến 200m2 - 300m2).
Về chính sách cam kết lợi nhuận 18%, nhân viên này khẳng định đây là phương thức cam kết mua lại chắc chắn 100%. Tuy nhiên, do phía bên bán mong muốn sẽ phát triển khu đất này thành một quần thể nghỉ dưỡng homestay đẹp nhất TP Bảo Lộc, nên khách hàng sẽ phải đóng thêm phần chi phí xin lên đất thổ cư 100%, cộng với chi phí xây dựng các căn nhà gỗ. Với mỗi nền đất từ 500m2-700m2, người mua có thể xây từ 5-8 căn nhà gỗ, tương ứng với số tiền 150 triệu đồng/căn.
Như vậy, nếu một người mua nền đất khoảng 1,5 tỷ đồng thì phải đóng thêm khoản tiền bổ sung gần bằng mức giá trị nền đất đã mua. “Anh/chị yên tâm, nếu sau 18 tháng anh chị không có nhu cầu sử dụng thì bên em sẽ mua lại và hoàn trả lợi nhuận 18% trên số tiền anh/chị đã đóng. Khu này sau khi xây xong sẽ rất đẹp, thu hút du khách và khai thác cho thuê rất tốt”, nhân viên sales mời chào.
Coi chừng “sập bẫy” cam kết kiểu Alibaba
Câu chuyện về cam kết lợi nhuận trong mua bán bất động sản không phải là chuyện mới. Năm 2019, việc Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo gần 7.000 người, với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã trở thành một bài học lớn cho những nhà đầu tư bất động sản. Chiêu thức của công ty này là dùng chính sách cam kết lợi nhuận lên đến 23% để dụ khách hàng “sập bẫy”.
Nhận định về việc cam kết lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp địa ốc, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, nếu xét đúng bản chất, doanh nghiệp đang cần vốn nên họ phải chấp nhận cam kết lợi nhuận, bán giá sản phẩm thấp hơn để nhà đầu tư sinh lời, sau đó cam kết mua lại.
Theo ông Quang, có thể doanh nghiệp nhìn thấy nhiều tiềm năng nên họ đầu tư hạ tầng để tạo ra khu đẳng cấp, có giá trị, sau đó mới cam kết mua lại. Thông thường, những chủ đầu tư có uy tín, năng lực, có khả năng tài chính đảm bảo mới thực hiện được chính sách cam kết này.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp lại dùng hình thức cam kết với lợi nhuận rất cao. Điển hình như Alibaba cam kết mua lại sản phẩm với lợi nhuận lên đến 28%, thì khách hàng rất dễ rơi vào bẫy lợi nhuận. Việc này cũng đẩy giá bất động sản tăng cao.
“Trên thị trường có khoảng 20 - 30% chủ đầu tư thực sự muốn thực hiện cam kết, còn lại phần lớn là ăn theo. Khách hàng không thể phân biệt được đâu là chủ đầu tư uy tín, ai ăn theo nên họ chọn chủ đầu tư nào cam kết lợi nhuận cao nhất. Điều này là rất rủi ro cho cả khách hàng lẫn thị trường”, ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, cam kết lợi nhuận bản chất chỉ là cách để doanh nghiệp huy động vốn nhanh nhất từ khách hàng, chủ yếu đến từ các chủ đầu tư đất nền hay bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Hầu hết loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đều bán theo cam kết lợi nhuận từ 10 - 15%. Mức lợi nhuận càng cao càng có sức hấp dẫn trong bối cảnh thị trường đang ngập các dự án.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM lại đánh giá việc chủ đầu tư cam kết lợi nhuận hay mua lại là bình thường, nhưng vấn đề đáng lo ngại là thực hiện thế nào.
“Nhiều doanh nghiệp dùng chiêu cam kết này để làm mồi nhử khách hàng. Họ đặt ra nhiều cái bẫy và để được hưởng mức lợi nhuận như cam kết thì khách hàng phải thực hiện nhiều điều khoản, thường là những điều khó đáp ứng được. Mục đích của việc cam kết này là để sản phẩm hút khách, giao dịch tốt hơn. Việc này cũng giống như những chương trình khuyến mãi. Về mặt pháp lý, cam kết là đúng nhưng thực hiện hay không là vấn đề khác”, ông Phượng nhận định.