Tân binh UPCoM bị ‘thổi bay’ 3.000 tỷ vốn hoá sau 1 tháng lên sàn
Chỉ sau hơn 1 tháng chào sàn, cổ phiếu AIG đã giảm 28% xuống vùng đáy đầu tiên ở mức giá 45.000 đồng/cổ phiếu (trong phiên 17/12).
Công ty cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG (UPCoM: AIG) từng gây chú ý khi là doanh nghiệp có giá trị lớn hiếm hoi lên sàn trong những năm trở lại đây. Giá tham chiếu trong phiên chào sàn là 63.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá doanh nghiệp lên tới hơn 10.700 tỷ đồng.
Sau hơn 1 tháng chào sàn, với biên độ lớn của hệ thống giao dịch UPCoM, cổ phiếu AIG nhanh chóng thiết lập mức đáy đầu tiên, khi rơi xuống vùng giá 45.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 17/12).
So với giá tham chiếu, AIG đã giảm khoảng 28% xuống vùng đáy. Vốn hoá cũng bị “thổi bay” khoảng 3.000 tỷ đồng, từ mức định giá ban đầu hơn 10.700 tỷ đồng còn gần 7.700 tỷ đồng.
Đáng nói, ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu AIG đã giảm đến 8,1% và liên tục “đánh rơi” giá trị những phiên sau đó. Kết quả, chỉ sau vài phiên chào sàn, vốn hoá của AIG đã “bốc hơi” hơn nghìn tỷ đồng.
Chưa kể, dù đưa hơn 170 triệu cổ phiếu lên sàn, nhưng thanh khoản của AIG lại khá kém so với quy mô khi khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ đạt khoảng vài chục nghìn đơn vị. Điều này có thể lý giải bởi việc tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn đang chiếm tới gần 76%.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiên Trúc hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51,72 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 30,32% vốn. MGCA Foodco Pte. Ltd là cổ đông lớn thứ hai, sở hữu 29%; Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Tùng, sở hữu 8,48% và All Ingredients Pte. Ltd sở hữu 8,09%.
Dẫu vậy, vẫn còn tới hơn 41 triệu cổ phiếu đang do các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ. Mức thanh khoản thấp của AIG cũng có thể lý giải do doanh nghiệp lựa chọn chào sàn ở hệ thống UPCoM, vốn có nền thanh khoản thấp hơn so với HoSE và HNX.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại AIG hiện đạt 44,56% với sự tham gia của nhiều quỹ ngoại, mức trần room ngoại của doanh nghiệp là 50%. Điều này cho thấy AIG thu hút được khá nhiều sự quan tâm của khối ngoại.
Lịch sử hình thành và phát triển của AIG cũng cho thấy ngay từ năm 2018, doanh nghiệp đã được PENM IV GERMANY GMBH & CO. KG của Đức đầu tư bằng việc mua 8 triệu cổ phần AIG. Sau PENM, quỹ VFPHK Holdings Limited của Hong Kong cũng mua 8 triệu cổ phần AIG trong cùng năm.
Sau khi được nhà đầu tư ngoại rót vốn, trong giai đoạn này, AIG khánh thành Trung tâm nghiên cứu – phát triển tại Bình Dương và thực hiện một loạt thương vụ M&A, mua lại cổ phần của các công ty: Công ty Cổ phần Nguyên liệu Thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AFI), Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu (ACP), Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu (ACC), và Công ty Cổ phần APIS.
Giai đoạn 2019-2023, AIG tiếp tục thu hút vốn từ các quỹ ngoại và đón thêm cổ đông lớn như All Ingredients Pte. Ltd và MGCA Foodco Pte. Ltd. Các công ty con của AIG cũng liên tục khởi công và đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất, dự án kho bãi,…
Trước thềm đưa chứng khoán lên giao dịch tại UPCoM, AIG tiếp tục sôi động với các thương vụ M&A, đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu tại một số công ty con trong hệ sinh thái. Doanh nghiệp cũng ghi nhận một số quỹ thoái vốn, trong khi một số quỹ khác lại tăng tỷ lệ sở hữu. Kể từ năm 2017, vốn điều lệ của AIG đã tăng từ 18 tỷ đồng lên hơn 1.700 tỷ đồng hiện tại, thông qua các đợt phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Mới đây, AIG đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Theo đó, AIG dự kiến bổ sung thêm 3 ngành nghề, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê thành ngành nghề kinh doanh chính.
Đây có thể là một trong những bước chuyển hướng đầu tiên của AIG, nhắm vào lĩnh vực bất động sản bên cạnh các hoạt động cốt lõi là kinh doanh nguyên vật liệu thực phẩm.