Tân Cảng Sài Gòn: 'Anh cả' nắm giữ 3 cảng biển lớn nhất Việt Nam
Là doanh nghiệp quốc phòng – kinh tế hàng đầu, Tân Cảng Sài Gòn không chỉ đảm nhận vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, khẳng định vị thế chiến lược trên cả hai lĩnh vực kinh tế và quân sự.
Biểu tượng của kinh tế quốc phòng
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ quốc phòng, 100% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ.
Đơn vị này được thành lập vào ngày 15/3/1989, xuất phát điểm từ một bến cảng cũ bên sông Sài Gòn chỉ với 4 cầu tàu, dài 1,2km và vài kho hàng cũ. Nguồn vốn ban đầu của đơn vị chỉ đạt vỏn vẹn 17,5 tỷ đồng, với 36 cán bộ, chiến sĩ được điều động từ các đơn vị khác. Cái tên “Tân Cảng Sài Gòn” được ra đời để phân biệt với Cảng Sài Gòn.
Năm 1992, tàu Saigon Venture với sức chứa 124 TEU cập bến Tân Cảng, đánh dấu thời điểm khởi đầu cho hoạt động khai thác cảng container của Tân Cảng Sài Gòn. Từ năm 1992 trở đi, Tân Cảng Sài Gòn bắt đầu chi mạnh tay cho việc nâng cấp và mua sắm trang thiết bị từ nước ngoài, tăng hiệu suất và hiện đại hóa hoạt động quản lý.
Hàng loạt cảng container chuyên dụng được đơn vị này xây dựng mới, hoạt động kinh doanh mở rộng mạnh mẽ đi cùng với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các cơ sở cảng và trang thiết bị do Tân Cảng Sài Gòn quản lý, khai thác đều mang tính lưỡng dụng: “Khi bình là ngư, khi biến là binh”.
Tính đến tháng 3/2024, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý, khai thác hệ thống 26 cảng trên 16 tỉnh thành phố cả nước, trong đó có 10 cảng biển lớn của Việt Nam, với hơn 90% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực phía nam, hơn 55% thị phần container thông qua của hệ thống cảng toàn quốc; đóng góp từ 18-20% tổng thu ngân sách của TP. HCM và gần 6% tổng thu ngân sách quốc gia hàng năm.
Ba trụ cột kinh doanh chính của Tân Cảng Sài Gòn là khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và ngành kinh tế biển.
Từ năm 1997 đến nay, Tân Cảng Sài Gòn luôn duy trì được vị trí số 1 Việt Nam về kinh doanh khai thác cảng biển. Trong đó, 3 cảng giữ vị trí hàng đầu về sản lượng container xuất, nhập khẩu thông qua lớn thứ nhất, thứ hai và thứ ba cả nước là: Cảng Tân Cảng-Cát Lái, cảng biển lớn, hiện đại nhất Việt Nam, xếp thứ 30 thế giới; Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép, cảng biển lớn thứ hai và là cảng nước sâu lớn nhất toàn quốc; Cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng, cảng biển lớn thứ ba cả nước và là cảng nước sâu lớn nhất khu vực Miền Bắc...
Mỗi năm, hệ thống cảng trực thuộc Tân Cảng Sài Gòn đón trên 8.000 chuyến của hơn 60 hãng tàu trên thế giới, sản lượng hàng hóa xếp dỡ lên đến 9,7 triệu TEU, đóng góp gần 56% thị phần container xuất nhập khẩu thông qua cảng biển của cả nước.
Tổng sản lượng container thông qua của các cảng thuộc hệ thống Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hiện tương đương với sản lượng của cụm cảng vị trí số 17 trong top 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.
Năm 2024, sản lượng container thông qua toàn hệ thống của Tân cảng Sài Gòn dự kiến đạt 10,72 triệu TEU (tăng 9,1% so với năm 2023).
Là doanh nghiệp quốc phòng – kinh tế hàng đầu, Tân Cảng Sài Gòn không chỉ đảm nhận vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, khẳng định vị thế chiến lược trên cả hai lĩnh vực kinh tế và quân sự.
Trong lễ phát động làm hàng của Tân Cảng Sài Gòn trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng bày tỏ sự kỳ vọng đối với đơn vị này, hướng tới mục tiêu trở thành "Tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics; thương hiệu uy tín, chất lượng toàn cầu”.
Họ nhà “Tân Cảng” trên sàn kinh doanh thế nào?
Hệ sinh thái của Tân Cảng Sài Gòn gồm 20 công ty con và 9 công ty liên kết trải dài từ Bắc đến Nam. Hiện nay, đang có 7 doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” đang có mặt trên sàn chứng khoán, hầu hết đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics.
Trong đó, bao gồm 4 công ty con là Công ty cổ phần Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (HoES: TCL), Công ty cổ phần Kho vận Tân Cảng (UPCoM: TCW), Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần (UPCoM: IST), Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Long Bình (HoSE: ILB) và 3 công ty liên kết là Công ty cổ phần Cảng Cát Lái (HoSE: CLL), Công ty cổ phần Dịch vụ biển Tân Cảng (UPCoM: TOS) và Công ty cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu (UPCoM: PNP).
Kết quả kinh doanh của 7 doanh nghiệp này nhìn chung đều khả quan so với cùng kỳ, thu về cả chục, cả trăm tỷ sau 9 tháng năm 2024, trong đó, TOS và TCL là 2 doanh nghiệp đem về lợi nhuận cao nhất.
Cụ thể, luỹ kế 9 tháng, TOS ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.065 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Trừ đi chi phí, lợi nhuận sau thuế thu về gần 236 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 45%.
Đi cùng với diễn biến tích cực của tình hình kinh doanh, giá cổ phiếu TOS trên thị trường chứng khoán cũng đạt được mức tăng ấn tượng, tăng gấp đôi trong vòng 1 năm, từ mức 33.030 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh phiên 19/12/2023) lên mức 73.200 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 19/12/2024). Vốn hoá của TOS đạt. mức hơn 2.200 tỷ đồng, lớn nhất trong số 7 doanh nghiệp họ “Tân Cảng” trên sàn.
Cũng đem về mức lợi nhuận trăm tỷ đồng là TCL. Với doanh thu thuần hơn 1.166 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng (tăng 7% so với cùng kỳ), TCL thu về 101 tỷ đồng lãi sau thuế, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Diễn biến cổ phiếu TCL cũng đi ngang như tình hình lợi nhuận, dù trong năm 2024 cổ phiếu này cũng ghi nhận nhiều nhịp tăng mạnh, tuy nhiên đi kèm luôn là những nhịp điều chỉnh, khiến TCL lại trở về vùng giá 34.000 đồng/cổ phiếu sau 1 năm. Vốn hoá của doanh nghiệp đạt trên 1.000 tỷ đồng.
CLL cũng là một trong những doanh nghiệp họ “Tân Cảng” có vốn hoá nghìn tỷ đồng trên sàn (hơn 1.200 tỷ đồng). Cổ phiếu CLL sau 1 năm ghi nhận tăng nhẹ 6%, tuy nhiên thiết lập được mức đỉnh mới trong năm 2024, ghi nhận trong phiên 22/8 và 26/8 ở mức 41.2500 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh). Diễn biến tích cực này của cổ phiếu CLL diễn ra trước thềm doanh nghiệp trả cổ tức.
Tình hình kinh doanh của CLL lại không quá sáng. Doanh thu thuần luỹ kế 9 tháng gần như đi ngang, đạt 229 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lại có phần sụt giảm nhẹ, đạt gần 74 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp họ “Tân Cảng” còn lại như TCW (lãi 79,7 tỷ đồng, tăng 6%), IST (lãi 52 tỷ đồng, tăng 27,8%), PNP (lãi 34 tỷ đồng, tăng 13,5%), ILB (lãi 74,9 tỷ đồng, giảm 3,8%).