Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’, số phận lô đất kim cương tại Thủ Thiêm sẽ ra sao?

Việc Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra, liệu số phận lô đất mà BĐS Ngôi Sao Việt đã bỏ cọc sẽ đi về đâu?

Trong những ngày qua, bức tâm thư của ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh (đơn vị trúng đấu giá lô đất kim cương tại Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục lên đến 2,45 tỷ/m2) gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 mà doanh nghiệp trúng đấu giá hồi tháng 12/2021.

Trong tâm thư, ông Dũng có nêu, sau phiên đấu giá, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như dư luận, trong đó có ý kiến cho rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt.

Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua, doanh nghiệp đã đánh giá lại và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả như trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.

Do đó Tân Hoàng Minh xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất trên. Đồng thời Tập đoàn này khẳng định sẽ chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.

Ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng quyết liệt đấu giá lô đất 3-12 (Ảnh: VNExpress)  
Ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng quyết liệt đấu giá lô đất 3-12 (Ảnh: VNExpress)  

Trở lại với số phận của lô đất kim cương này, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho biết nhà nước đã xác định quyền sử dụng đất của lô đất phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá, dựa trên quy định của Luật đất đai.

“Như vậy, lô đất này vẫn trải qua một lần đấu giá khác. Mức giá khởi điểm và các vấn đề liên quan vẫn theo quy định luật đấu giá”, Luật sư Hải nhận định.

Lô đất 3-12 mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá và hiện nay xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua đấu giá… – Ảnh: Quang Duy  
Lô đất 3-12 mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá và hiện nay xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua đấu giá… – Ảnh: Quang Duy  

Trong khi đó, Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, phía Tân Hoàng Minh đã chính thức thông báo về việc không tiếp tục thực hiện kết quả trúng đấu giá, quyết định đơn phương chấm dứt của họ. Trường hợp này, bắt buộc các cơ quan có liên quan sẽ trình hồ sơ lên UBND TP Hồ Chí Minh.

Căn cứ vào điểm D khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó.

Theo quy định, số tiền đặt trước sẽ chuyển thành tiền cọc theo quy định tại khoản 5 Điều 39 của Luật đấu giá tài sản. Vì vậy, nếu đơn vị này tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ, xem như họ bỏ cọc và mất số tiền này.

Như vậy, nếu Tân Hoàng Minh hủy hợp đồng tại thời điểm này, lô đất vẫn là đất công thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt, trường hợp này cũng không áp dụng quy định đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ được mời mua tài sản đấu giá bởi phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá.

“Việc đơn vị trả giá cao thứ hai được mua tài sản đấu giá chỉ áp dụng khi đơn vị trúng đấu giá từ chối mua ngay sau khi trúng đấu giá kèm theo điều kiện giá được trả cao thứ hai cộng với số tiền đặt cọc đấu giá bằng hoặc cao hơn giá mà đơn vị trúng đấu giá vừa từ chối”, LS Lê Bá Thường giải thích.

Như vậy sắp tới, Nhà nước sẽ phải tổ chức lại phiên đấu giá mới. Và tất nhiên, hiện nay chưa có quy định nào liên quan đến việc xác định mức giá trần cho các phiên đấu giá bằng hình thức trả giá lên. Nên dù muốn hay không muốn, thì đơn vị tổ chức phiên đấu tiếp theo cũng không thể khống chế các đơn vị tham gia đấu giá được trả mức giá cao.

An Nhiên

Theo Kinh doanh & Phát triển