Tăng trưởng GDP trên 8%: 'Giải pháp đột phá để kích hoạt động lực tăng trưởng mới'
Trong công điện mới nhất, Thủ tướng yêu cầu tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%. Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu này đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá để kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh...
Đẩy mạnh đầu tư tư nhân
Trong công điện mới nhất, Thủ tướng Chính phủ cho rằng để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP) và kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030, cầu ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).
Đánh giá về dư địa tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, các chuyên gia kinh tế vĩ mô cho rằng kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt và ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trước đó, ngày 12/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Theo nghị quyết, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%.
Đưa ra các dự báo về tình hình tăng trưởng 2025, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết ông dự báo 2 tình huống kinh tế Việt Nam năm sau.
Theo đó, ở tình huống thận trọng, GDP được dự báo tăng trưởng từ 6,8 - 7,3%, trong khi lạm phát giữ ở mức 3,2 - 3,5%. Trong tình huống tích cực hơn, GDP có thể đạt từ 7,3 - 7,8%, với lạm phát dao động trong khoảng 3,5 - 3,8%.
Theo ông Thịnh, hai tình huống này phản ánh tiềm năng của Việt Nam trong việc duy trì đà tăng trưởng ổn định, bất chấp những thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Sự khác biệt giữa hai tình huống phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách hỗ trợ và cách ứng phó với biến động kinh tế trong thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mục tiêu 6,5 - 7%, phấn đấu 7,5% là khả thi nếu so sánh kết quả đạt được 2024 và triển vọng, tình hình chung thế giới và trong nước năm 2025 (cũng nằm trong dự báo sau điều chỉnh của các tổ chức vĩ mô quốc tế và trong nước).
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng việc Chính phủ đặt ra kịch bản điều hành với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ hơn, lên đến 8% đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá để kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh hay kinh tế phát thải carbon thấp.
"Bên cạnh việc duy trì và tận dụng tối đa cơ hội và vai trò của kinh tế đối ngoại (thương mại và đầu tư quốc tế) thì cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tư nhân và muốn vậy phải kích hoạt động lực tăng cầu tiêu dùng và hàng hóa dịch vụ trong nước", TS Nguyễn Quốc Việt gợi ý.
Lo ngại xuất khẩu sang Mỹ sẽ chững laị
Ở góc độ chuyên gia quốc tế, theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho rằng, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng mạnh hơn 20% trong năm nay là yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2024. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào mức 40% trong xuất khẩu điện tử và các sản phẩm công nghệ cao sang Mỹ.
“Chúng tôi dự báo sự tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chững lại vào năm sau, do nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ trải qua một đợt “hạ cánh mềm” và suy giảm kinh tế”, ông Michael Kokalari.
Các lý do khác khiến xuất khẩu tăng trưởng chậm lại vào năm sau liên quan đến chu kỳ tái dự trữ hàng hóa của Mỹ. Hơn nữa, xuất khẩu trên toàn châu Á đang được thúc đẩy bởi sự đón đầu nhu cầu trước khi ông Trump nhậm chức, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu giảm dần vào năm sau. Do đó, tăng trưởng sản xuất của Việt Nam có thể sẽ giảm vào năm tới, vì hầu hết các sản phẩm sản xuất đều được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
“Tuy nhiên, xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam sẽ khó suy giảm trong năm tới, vì dòng vốn FDI ổn định đảm bảo rằng mỗi năm sẽ có thêm các nhà máy bắt đầu sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2025, do cơ cấu tăng trưởng sẽ chuyển sang các yếu tố nội tại nhiều hơn trong năm sau”, ông Michael Kokalari nói.
Theo ông Michael Kokalari, “Khi thị trường bất động sản phục hồi sẽ có tác động lớn đối với tâm lý tiêu dùng. Sự kết hợp giữa tiến độ nhanh chóng trong các dự án như sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai mới của Hà Nội, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong việc chi tiêu nhờ vào hiệu ứng tài sản”.
Để đảm bảo giữ được tốc độ tăng tươnrg nhanh và bền vững, ông Michael Kokalari cho rằng Chính phủ cũng đang thực hiện một số bước để thúc đẩy tăng trưởng GDP dài hạn. Các biện pháp này gồm các cải cách cơ cấu, một số trong đó sẽ có hiệu lực vào năm tới và có thể giúp giải nhiệt thị trường bất động sản và cải thiện thứ hạng về chỉ số thuận lợi kinh doanh. Các kế hoạch cũng đã được công bố để sáp nhập 5 bộ và nhiều cơ quan khác nhằm tinh gọn hoạt động của Chính phủ
“Chúng tôi rất phấn khởi trước những sáng kiến mới đây, như kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Chính phủ cũng đã có những bước đi đáng khích lệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn, đặc biệt là khai thác tiềm năng lớn của đất nước trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”, ông Michael Kokalari nói.