Tập đoàn Đạt Phương: Dòng tiền thuần âm, lãi ròng giảm so với cùng kỳ
Kết thúc quý I/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương – DPG ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực nhưng dòng tiền thuần lại âm và chỉ số lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 77,8 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của tập đoàn Đạt Phương cho thấy, công ty này đã mang về doanh thu hợp nhất đạt 425,75 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ nằm 2023. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm tới 18% do giá vốn bán hàng tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, lên mức 302 tỷ đồng
Kế thúc quý I, Tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập đạt 77,8 tỷ đồng, con số này ghi nhận giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, ở ĐHĐCĐ năm 2024, Tập đoàn Đạt Phương thông qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cho năm nay, mới chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.566 tỷ đồng và 343 tỷ đồng, tăng tương ứng 32,3% và 21,5% so với năm trước.
Như vậy, kết thúc quý I/2024, tập đoàn này mới hoàn thành 9,3% mục tiêu doanh thu nhưng đã đạt 22,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Xét về tổng tài sản, đến hết ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Đạt phương còn 6.456 tỷ đồng giảm 3,5% so với thời điểm đầu năm 2024.
Hàng tồn kho lại tiếp tục tăng lên mức 12% với giá trị hơn 1.286 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang ở mảng xây lắp (599 tỷ đồng) và mảng bất động sản (khoảng 632 tỷ đồng).
Về dư nợ phải trả, vào thời điểm kết thúc báo cáo tài chính quý I, tổng nợ của doanh nghiệp này đã giảm 8%, chỉ còn 4.006 tỷ đồng, chủ yếu do dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm tới 17%, còn khoảng 893 tỷ đồng; trong khi đó, dư nợ vay va nợ thuê tài chính dài hạn được giữ tương đối ổn định, quanh mức 1.437 tỷ đông.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương được thành lập vào ngày 12/3/2002, tiền thân là Công ty cổ phần xây dựng và vận tải Đạt Phương. Chủ tịch HĐQT là ông Lương Minh Tuấn (sinh năm 1970).
Ông Tuấn là một trong 5 cổ đông sáng lập nên Tập Đoàn Đạt Phương, các thành viên còn lại bao gồm: Ông Phạm Văn Đích, ông Lương Tuấn Minh, bà Trần Thị Hà và bà Nguyễn Thị Chinh. Sau đó, vào năm 2017, ông Phạm Văn Đích, bà Trần Thị Hà và bà Nguyễn Thị Chinh đã thoái toàn bộ vốn tại đây. Và vốn điều lệ chuyển đổi dần thành cổ phần phổ thông, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Hiện, Tập đoàn Đạt Phương đang có 8 công ty con: Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An (góp 88,89% vốn), Công ty Cổ phần Kính Đạt Phương (góp 73% vốn), Công ty Cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 1 (góp 70% vốn), Công ty Cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 2 (góp 70% vốn), Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đạt Phương Sông Bung (góp 61,32% vốn), Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà (góp 68,3% vốn), Công ty TNHH Thực phẩm Bee (góp 100% vốn) và Công ty TNHH Fukunana (góp 73% vốn).
Mặc dù được biết đến là doanh nghiệp vận tải, nhưng sau đó, doanh nghiệp này đã chuyển mình sang các lĩnh vực khác và thành tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng, bất động sản, năng lượng và nghỉ dưỡng.
Ở lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn Đạt Phương được xem như một hiện tượng với danh xưng "kép phụ" trong lĩnh vực trúng thầu. Đăng ký tham gia 60 gói thầu tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh, cùng các địa phương như Trà Vinh, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, và nhiều nơi khác.
Trong số 60 gói thầu đó, doanh nghiệp này đã ghi nhận tới 50 thầu thành công, cùng với 5 gói trượt và 5 gói vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Tổng giá trị trúng thầu của Tập đoàn này đã vượt mốc hơn 27.000 tỷ đồng đồng (trong đó hơn 4.000 tỷ đồng đến từ các gói chỉ định thầu; hơn 4.000 tỷ đồng là các gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không có thông báo mời thầu).
Còn ở lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, đơn vị này cũng đã nộp đơn kiến nghị về vướng mắc của nhiều dự án tại tỉnh Quảng Nam. Cho đến nay, đã có 1 dự án được tháo gỡ vướng mắc là dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An). Theo đó, thời gian nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác dự án đến hết quý IV/2025.
Trong lĩnh vực đầu tư thuỷ điện, Đạt Phương đang vận hành 4 nhà máy gồm: Thuỷ điện Sông Bung 6 – Tổng công suất lắp máy 29MW (Quảng Nam); Dự án thuỷ điện Sơn Trà 1A, 1B với tổng công suất lắp máy 60MW (Quảng Ngãi) và thủy điện Sơn Trà 1C với công suất là 9MW (Quảng Ngãi).