Tập đoàn Masan huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu
CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố thông tin về việc huy động thành công 2 lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng.
1.500 tỷ đồng được MSN huy động để trả nợ trái phiếu
Theo thông tin được công bố, hai lô trái phiếu vừa được Masan phát hành có mã MSNH2227003 và MSNH2227004 với giá trị lần lượt là 700 tỷ và 800 tỷ đồng.
Hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng, được phát hành và hoàn tất vào cùng một ngày (ngày 21/9/2022) với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Các thông tin cơ bản khác như lãi suất, trái chủ mua trái phiếu và mục đích phát hành không được doanh nghiệ công bố. Tuy nhiên, theo thông tin được công bố trước đó, MSN đã công bố nghị quyết thay đổi phương án phát hành riêng lẻ 2 lô trái phiếu doanh nghiệp tổng trị giá 1.500 tỷ đồng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong đó, có 700 tỷ đồng lô trái phiếu mã MSNH2227003 và 800 tỷ đồng lô trái phiếu mã MSNH2227004. 2 lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng kể từ ngày phát hành. Giá chào bán tương đương mệnh giá trái phiếu với 100.000 VND/đơn vị. Tất cả trái phiếu dự kiến sẽ được chào bán trong 1 đợt.
Lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,5%/năm. Lãi suất đối với các kỳ tính lãi còn lại là lãi suất thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu (trung bình cộng của lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm các nhân bằng VND kỳ hạn 12 tháng do Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan.
Được biết, ban đầu mục tiêu dùng số tiền thu được để thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 được phát hành ngày 26/9/2019. Sau điều chỉnh, số tiền này sẽ được dùng để thanh toán gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023. Thời gian dự kiến sử dụng vốn là quý I/2023.
Còn hơn 15.000 tỷ nợ trái phiếu không tài sản đảm bảo
Thời điểm đầu năm 2020 Masan đã phát hành thành công lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản - BondMSN012023, với tổng trị giá 3.000 tỷ đồng (phát hành ngày 9/3/2020, kỳ hạn 3 năm) và lãi suất là 9,3%/năm cho kỳ đầu tiên (6 tháng) và sau đó là trung bình cộng lãi suất tiền gửi cá nhân VND trả sau kì hạn 12 tháng của VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV cộng biên độ 2,5%/năm.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2022 Masan ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17.834 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của MSN đạt gần 1.215 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tại Masan đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức 41.196 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời, chi phí tài chính và các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng. Kết quả, MSN ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 3.110 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho chủ sở hữu của MSN đạt hơn 2.576 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù báo lãi 6 tháng qua tăng bằng lần, song Tập đoàn Masan lại gặp vấn đề lớn khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại âm gần 548 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 1.531 tỷ đồng.
Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại MSN cũng âm hơn 14.826 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 2.596 tỷ đồng. Duy nhất chỉ có dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 2.786 tỷ đổng.
Với việc dòng tiền âm, Masan đã đẩy mạnh đi vay nợ để có vốn duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo đó, tính đến cuối quý 2/2022, nợ vay bao gồm cả trái phiếu của doanh nghiệp này là hơn 56.872 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản.
Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng tới 64% so với đầu năm, từ 18.806 tỷ đồng lên hơn 30.751 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay dài hạn giảm 34% từ 39.372 tỷ đồng xuống còn 26.121 tỷ đồng. Đáng chú ý, Tập đoàn Masan có hơn 15.723 tỷ đồng là nợ vay trái phiếu không có đảm bảo và gần 18.756 tỷ đồng là trái phiếu có đảm bảo.
Masan cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh bị âm là do hàng tồn kho và các khoản phải thu tăng nhanh. Tính đến cuối quý 2/2022, tổng giá trị các khoản phải thu là 12.896 tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm.
Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 63% so với đầu năm, lên mức gần 10.831 tỷ đồng; khoản phải thu dài hạn cũng tăng thêm 187 tỷ đồng lên 2.065 tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với đầu năm.
Được biết, trong năm 2022, Masan lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất ước tính sẽ đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74.200 tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.