Tập đoàn Sao Mai (ASM): Tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022 của CTCP Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM), doanh thu trong quý đạt 3.184 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng cao nên lợi nhuận gộp giảm nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp 333 tỷ đồng, giảm 2% so với quý 4/2021.

Tập đoàn Sao Mai (ASM): Tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt - Ảnh 1

Trong quý này, doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn Sao Mai giảm 12% so với cùng kỳ, đạt gần 56 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC Tập đoàn Sao Mai.  
Nguồn: BCTC Tập đoàn Sao Mai.  

Điểm đáng lưu ý, mặc dù lợi nhuận gộp giảm nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh trong quý IV, nguyên nhân chủ yếu do hụt doanh thu tài chính và chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.

Cụ thể, chi phí tài chính 181 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay chiếm đến 81% tổng chi phí tài chính, tăng 70% so với quý 4/2021. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 38%, tương ứng tăng thêm 39 tỷ đồng lên 142 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Giải trình chi phí tài chính tăng trong quý này, Tập đoàn Sao Mai cho biết chủ yếu do các ngân hàng tăng lãi suất cho vay, còn tăng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng là do giá cả của các yếu tố đầu vào tăng.

Kết quả, trong quý 4/2022, Tập đoàn Sao Mai lãi sau thuế gần 66 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ, trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là gần 44 tỷ đồng.

Với kết quả này, tính chung cả năm 2022, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu đạt 13.807 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 963 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Sao Mai tăng 5,2% so với đầu năm lên gần 19.111 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 6.847 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.165 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận xấp xỉ 3.190 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.798 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 39% từ 586 tỷ đồng lên 817 tỷ đồng so với đầu năm; tồn kho tăng 11,7% so với đầu năm, tương ứng tăng 333,6 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 38,8% so với đầu năm, còn 981 tỷ.

Trong tài sản dài hạn khác, đáng chú ý lợi thế thương mại bất ngờ tăng 146% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 282 tỷ đồng lên 475 tỷ đồng. Công ty thuyết minh 475 tỷ đồng là giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua Công ty con.

Tập đoàn Sao Mai ghi nhận lợi thế thương mại tăng mạnh trong năm 2022.  
Tập đoàn Sao Mai ghi nhận lợi thế thương mại tăng mạnh trong năm 2022.  

Tài sản dài hạn khác tăng 44,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 350 tỷ đồng lên so với đầu năm; chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng từ 885 tỷ đồng lên 1.204 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm; Ngoài ra, bất động sản đầu tư cũng tăng 58,8% lên 513,5 tỷ so với đầu năm…

Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn Sao Mai là hơn 11.270 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 24,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.911 tỷ đồng lên 9.816 tỷ đồng và chiếm 51,4% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 43,5% tổng nguồn vốn).

Vốn chủ sở hữu của ASM đạt 7.804 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,44 lần.

Trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Tập đoàn Sao Mai ghi nhận âm 263 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ dương 1.087 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, ASM vẫn tăng cường mua sắm tài sản, chi cho vay, mua công nợ của đơn vị khác, dẫn đến dòng tiền đầu tư âm 559 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.053 tỷ đồng (đầu năm âm 487 tỷ đồng), chủ yếu tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.

Trong năm 2022, Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch doanh thu thuần 14.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.630 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận ghi nhận 963 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ đạt 59,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo thông tin trên website, được biết tiền thân của tập đoàn Sao Mai (tên gọi khác của công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) là công ty liên doanh Kiến trúc tỉnh An Giang được thành lập năm 1988.

Ngày 05/02/1997, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang được thành lập. Năm 2010, cổ phiếu ASM niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông; Sản xuất và mua bán vật liệu xây dựng; Kinh doanh bất động sản; Xuất khẩu thủy sản.

Đi lên từ một doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp công trình tại các tỉnh miền Tây nhưng chỉ trong khoảng thời gian 5 năm khởi nghiệp, các công trình và dự án của Tập đoàn Sao Mai nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ rồi cả khu vực Tây Nguyên. Đến nay đã mở rộng khắp cả nước.

Thành công tiếp nối thành công, sang năm 2002 và những năm sau đó, khi thị trường bất động sản khởi sắc, với nền tảng đã có trong mảng xây dựng, Sao Mai bắt đầu mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Các hoạt động nhận thầu xây dựng dần thu hẹp lại để nhường chỗ cho các dự án bất động sản.

Cho đến nay, Sao Mai đã có trong tay gần 100 dự án trải dài khắp mọi miền đất nước, với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Chuỗi khu đô thị cao cấp Sao Mai – Bình Khánh, Khu đô thị Sao Mai – Lấp Vò, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Thanh Hoá, Đồng Tháp, Hòa Bình, TP HCM, Hà Nội ….

Việc tham gia vào lĩnh vực này với hàng loạt các dự án hạ tầng khu dân cư nhà ở đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp… đã giúp Sao Mai gia tăng đáng kể lợi nhuận và đưa Sao Mai trở thành một nhà đầu tư kinh doanh bất động sản hàng đầu ĐBSCL. Khi thương hiệu đã vươn khắp từ Nam ra Bắc thì cũng là lúc Sao Mai “chuyển dòng”, với sự đa dạng hóa các ngành nghề.

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển