Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn

Thaiholdings được nhắc đến nhiều từ cuối năm 2020 đến nay khi doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX. Thaiholdings còn được nhắc đến nhiều bởi gắn liền với tên tuổi của “bầu Thuỵ”.

Những “dấu ấn” của Thaiholdings sau 2 năm lên sàn: Tăng vốn khủng, giá cổ phiếu tăng nóng

Đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HNX từ tháng 6/2020, ấn tượng đầu tiên của nhà đầu tư với doanh nghiệp này là sự “tăng nóng” bất thường của giá cổ phiếu. THD chào sàn ngày 19/6/2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn cổ phiếu THD đã tăng trần 17 phiên liên tiếp, và đưa cổ phiếu lên mức 95.000 đồng/cổ phiếu ở phiên giao dịch thứ 18 trên sàn. Tuy vậy thanh khoản cổ phiếu này không cao, đặc biệt những phiên tăng trần trước đó hầu hết chỉ có lượng nhỏ cổ phiếu khớp lệnh.

Chỉ 3 tháng sau đó, những phiên giao dịch đầu tháng 3/2021 THD đã chạm mức 200.000 đồng/cổ phiếu, trở thành một trong số những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. THD tiếp tục duy trì mức giá cao này đến đầu năm 2022, từng bước tăng lên ngưỡng 264.000 đồng/cổ phiếu. Tăng sốc thì có giảm sâu, đến cuối tháng 1/2022 THD mất đi 35% giá trị, về mức 174.000 đồng/cổ phiếu và xuyên thủng luôn ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu vào những ngày đầu tháng 5/2022. Hiện tại THD đã giảm sâu về mức 66.300 đồng/cổ phiếu.

Thaiholdings cũng để lại dấu ấn đối với nhà đầu tư từ việc tăng vốn “khủng”. Năm 2021 vừa qua công ty đã phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, muốn tăng vốn điều lệ gấp 6,5 lần từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Tổng số tiền huy động được từ đợt chào bán 2.961 tỷ đồng. Đáng chú ý, Thaigroup phát hành tăng vốn với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá cổ phiếu THD cùng thời điểm là gấp 16 lần. Tiền huy động được từ phát hành tăng vốn đều dùng để mua cổ phần, góp vốn thành lập các công ty con, công ty liên kết.

Kết quả kinh doanh cũng “tăng nóng” nhờ vào doanh thu tài chính và các khoản thu khác

Năm 2020 – năm đầu tiên sau khi doanh nghiệp lên niêm yết trên sàn, Thaiholdings công bố BCTC với doanh thu tăng 140% so với năm 2019, lên mức 1.820 tỷ đồng. Lãi thuần tư hoạt động kinh doanh đạt 142 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế năm 2020 tăng đột biến gấp 23 lần năm 2019 nhờ khoản thu nhập khác hơn 1.200 tỷ đồng – đây là khoản thu nhập nhờ chuyển nhượng dự án Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (332 tỷ đồng) và từ thanh lý tài sản cố định nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (862 tỷ đồng).

BCTC Hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán cho biết, ngày 15/12/2020 Thaiholdings nhận chuyển nhượng 81,6% vốn cổ phần của CTCP Tập đoàn Thaigroup và trở thành công ty mẹ, cùng với đó giá trị hợp lý của các tài sản, nợ phải trả… của Thaigroup được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Thaiholdings.

Tháng 12/2020 Tập đoàn Thaigroup đã chuyển nhượng toàn bộ dự án Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ bao gồm quyền thực hiện dự án, quyền thuê đất để thực hiện dự án, quyền khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, hệ thống dây chuyển sản xuất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, văn phòng làm việc, quyền và các nghĩa vụ liên quan đến dự án. Giá trị chuyển nhượng 2.650 tỷ đồng, lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án này và các tài sản liên quan hơn 1.194 tỷ đồng ghi nhận trên BCTC hợp nhất năm 2020. Bên mua là Công ty TNHH MTV Xi măng Quảng Nam.

Năm 2021 Thaiholdings tiếp tục gây bất ngờ với doanh thu gấp 4,5 lần năm 2020 lên 8.242 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 490 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ. Lợi nhuận chính năm 2021 của Thaiholdings từ khoản doanh thu tài chính 1.082 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 300 triệu đồng) – chủ yếu là lãi bán các khoản đầu tư. Báo cáo ghi nhận lãi bán khoản đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thành Long hơn 27 tỷ đồng; CTCP Thương mại Tplus Quốc tế hơn 11 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi hơn 120 tỷ đồng và CTCP Bình Minh Group hơn 806 tỷ đồng.

Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 1

Báo cáo chi tiết, trong năm 2021 vừa qua Thaigroup đã mua hơn 37,78 triệu cổ phần, tương ứng 19,5% tổng số cổ phần của Công ty Cường Thịnh Thi. Và ngay trong năm, Thaigroup đã bán toàn bộ số cổ phần trên với giá bán hơn 508 tỷ đồng, ghi nhận lãi từ giao dịch này hơn 120 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, Thaigroup mua lại 97,81% giá trị phần vốn góp Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thành Long với giá gốc là 276,4 tỷ đồng. Đến tháng 10/2021 Thaigroup chuyển nhượng khoản đầu tư này và ghi lãi hơn 27 tỷ đồng.

Đối với lãi từ khoản đầu tư vào CTCP Bình Minh Group, trước đó  BCTC năm 2021 đã kiểm toán của Thaigroup ghi nhận ngày 22/4/2021 Thaigroup đã mua 4 triệu cổ phần tương đương 80% vốn điều lệ của Bình Minh Group với tổng giá mua 40 tỷ đồng. Bình Minh Group chính là chủ sở hữu của “lô đất vàng 11A Cát Linh. BCTC năm 2021 ghi nhận đến 18/11/2021 Thaigroup đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Bình Minh Group với giá xấp xỉ 840 tỷ đồng. Tổng lãi từ thương vụ này đạt hơn 806 tỷ đồng được ghi vào khoản mục doanh thu hoạt động tài chính. Bên nhận chuyển nhượng là Tân Hoàng Minh.

BCTC còn ghi nhận lợi nhuận năm 2021 của Thaiholdings còn đến từ khoản thu nhập khác. Tổng thu nhập khác năm 2020 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi bán khoản đầu tư tại Dự án Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ. Còn năm 2021 ghi nhận khoản thu nhập khác gần 780 tỷ đồng, trong đó có 680 tỷ đồng thu từ chuyển nhượng dự án Nhà máy xi măng Minh Tâm. Bên nhận chuyển nhượng lại là CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước. Báo cáo ghi nhận lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng này hơn 571 tỷ đồng.

Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 2

Tại phiên họp ngày 8/3/2022, HĐQT Thaiholdings đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại CTCP Đầu tư Thaihomes. Hiện Thaiholdings đang sở hữu 4.288.000 cổ phần, chiếm 16% tổng vốn điều lệ tại Thaihomes. Giá chuyển nhượng 27.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về khoảng 115 tỷ đồng. Trước đó cuối tháng 3/2021 công ty đã thực hiện góp vốn thành lập Thaihomes với số vốn góp 136,68 tỷ đồng, chiếm 51% vốn điều lệ. Đến 19/11/2021 Công ty thực hiện chuyển nhượng cổ phần tương ứng 35% vốn điều lệ của Thaihomes, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 16% như hiện nay. BCTC hợp nhất quý 1/2022 của Thaiholdings cho biết công ty đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Thaihomes vào ngày 28/3/2022. Bên vạnh đoa CTCP Enclave Phú Quốc – công ty con của Thaiholdings cũng đã chuyển nhượng toàn bộ 14,5% vốn cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ điện Quảng Nam – khoản đầu tư có giá gốc 143,55 tỷ đồng.

Câu chuyện bắt nguồn từ việc Tân Hoàng Minh “trả lại” dự án 11A Cát Linh

Sau việc vi phạm về phát hành trái phiếu, cả 9 đợt phát hành với giá trị 10.300 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ, thì mới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Bộ Công An đã ra phán quyết để Thaigroup hoàn trả số tiền 840 tỷ đồng về cho Tân Hoàng Minh và nhận lại cổ phần tại Bình Minh Group, trở lại làm chủ sở hữu lô đất vàng 11A Cát Linh. Đây cũng chính là “điểm nhấn” để nhà đầu tư “soi” những thương vụ mua/bán, sáp nhập lãi cả trăm tỷ của Thaigroup thời gian qua.

Lô đất vàng 11A Cát Linh có diện tích 2.505m2 với vị trí đắc địa ở góc Cát Linh Giao với Đặng Trần Côn. Ngoài ra lô đất còn rất gần với ga metro Cát Linh – Hà Đông và metro Nhổn – Ga Hà Nội. Trước đây khu đất này là thuộc sở hữu của CTCP Tạp phẩm và bảo hộ lao động (Sunprotexim) và từng được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2010 của công ty thống nhất tiến hành xây dựng Dự án nhà ở hỗn hợp, Trung tâm thương mại, văn phòng Sunprrotexim I cao 15 tầng. Tuy vậy dự án bị chậm lại do những thay đổi về quy hoạch, công trình bị bỏ ngỏ nhiều năm chờ sự thống nhất của các cấp quản lý.

Đến tháng 8/2017 UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi lô đất 2.505m2 tại số 11A Cát Linh và cho CTCP Bình Minh Group thuê để tiếp tục sử dụng cùng với tài sản nhận chuyển nhượng làm trụ sở làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Thời hạn thuê đến 27/8/2054.

Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 3

BCTC năm 2021 đã kiểm toán của Thaigroup ghi nhận ngày 22/4/2021 Thaigroup đã mua 4 triệu cổ phần tương đương 80% vốn điều lệ của Bình Minh Group với tổng giá mua 40 tỷ đồng. Tuy vậy đến 18/11/2021 Thaigroup đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Bình Minh group và ghi nhận lãi trên BCTC số tiền hơn 806 tỷ đồng vào khoản mục doanh thu hoạt động tài chính trong năm. Bên mua là Tân Hoàng Minh.

Sau vụ việc Tân Hoàng Minh bị phán quyết trả lại lô đất 11A Cát Linh cho Thaigroup, hiện trạng “lô đất vàng” này được “soi” kỹ hơn. Trên văn bản của UBND Thành phố Hà Nội khi giao quyền thuê đất cho Bình Minh Group có ghi nhận là cùng với “tài sản nhận chuyển nhượng làm trụ sở làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm”. Tuy vậy, thực trạng hiện tại, lô đất đang có tấm biển treo quảng cáo cho Xi măng Xuân Thành với dãy kiot đóng cửa triền miên. Tường bao quanh cũ kỹ và phía trong còn một khoảng trống lớn dùng làm bãi gửi xe ô tô, còn thấy rõ biểu tượng của Xi măng Xuân Thành cả phía trong bãi gửi xe.

Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 4
Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 5
Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 6
Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 7

Các “chủ nợ” của Thaiholdings

Thaiholdings vẫn liên tục tiến hành góp vốn thành lập các công ty. Ngày 29/12/2021 HĐQT công ty quyết định góp vốn thành lập CTCP Thaispace với giá trị góp vốn dự kiến 1.334,4 tỷ đồng tương ứng 5% vốn điều lệ, trong đó đến thời điểm 31/3/2022 công ty đã góp được 253 tỷ đồng.

Để có nguồn vốn thực hiện các dự án thành lập, mua/bán cổ phần tại các doanh nghiệp, Thaiholdings đã thực hiện chiến lược xoay vòng vốn. Ngoài việc huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm 2021 thì ngân hàng là một trong những kênh vay vốn của công ty. Trong quý 1/2022 sau khi nhận khoản lãi lớn từ bán đi cổ phần tại Bình Minh Group cho Tân Hoàng Minh, công ty đã trả hết toàn bộ dư nợ hơn 632 tỷ đồng cho khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội chi nhánh Thăng Long.

Thaiholdings kiếm hàng trăm tỷ qua mua/bán, chuyển nhượng: những dự án lãi bằng lần trong thời gian ngắn - Ảnh 8

Trong khi đó tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 1.663 tỷ đồng lên 1.923 tỷ đồng. “Chủ nợ” lớn nhất của Thaiholdings là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Sở Giao dịch với dư nợ đến 31/3/2022 lên đến gần 973 tỷ đồng (tăng 810 tỷ đồng so với đầu năm). Khoản dư nợ gần 395 tỷ đồng với Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Bình vẫn giữ nguyên.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và Cuộc sống