Thành phố cao nguyên 130 tuổi sắp trở thành quận rộng nhất Việt Nam: Có thể thu về gần 600 tỷ chỉ từ đấu giá đất
Trong danh sách đấu giá lần này có đến 29 tài sản là biệt thự, nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Theo danh mục và tiến độ thực hiện các cơ sở nhà, biệt thự dự kiến đấu giá trong năm 2024-2025, TP. Đà Lạt có 29 cơ sở là biệt thự, nhà đất (tài sản) dự kiến được tổ chức đấu giá gian đoạn này. Trong đó, 25 tài sản đấu giá dự kiến thu được 577,4 tỷ đồng.
Cụ thể, 29 tài sản là biệt thự, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước này sẽ được đấu giá với 2 hình thức: đấu giá bán tài sản và chuyển quyền sử dụng đất ở, thu tiền 1 lần; đấu giá cho thuê tài sản và thuê đất, thu tiền 1 lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền theo từng năm, từng chu kỳ thuê.
Đối với tài sản được đấu giá bán, số tiền dự kiến thu về lớn nhất là biệt thự - đất tại số 01 Triệu Việt Vương (rộng 1.924m2, diện tích sàn biệt thự 881m2) là 148,3 tỷ đồng; tiếp theo là địa chỉ 03 Xô Viết Nghệ Tĩnh là 63,5 tỷ đồng, số 14 Phan Đình Phùng hơn 52,6 tỷ đồng, số 04 Hồ Tùng Mậu gần 40 tỷ đồng, số 72 Ba Tháng Hai gần 18,4 tỷ đồng.
Về hình thức đấu giá cho thuê tài sản và cho thuê đất, cao nhất thuộc về khách sạn TTC (khách sạn Golf 3) tại số 04 Nguyễn Thị Minh Khai sẽ đấu giá lần 3 với giá cho thuê 5 năm dự kiến gần 36,5 tỷ đồng; nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương dự kiến thu được 30,4 tỷ đồng cho 10 năm thuê.
Riêng địa chỉ số 11 Lý Nam Đế - là trường THPT dân lập Phù Đổng cũ, hình thức đấu giá dự kiến là bán tài sản trên đất gắn liền với thuê đất giáo dục 50 năm và trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê hơn 97 tỷ đồng.
Bốn tài sản còn lại chưa có giá đấu dự kiến vì đang vướng mắc là 01 Trần Quang Diệu (Dinh I Bảo Đại), số 75 Ba Tháng Hai, 35A Nguyễn Thị Minh Khai và số 23 Ba Tháng Tư.
Với hơn 130 tuổi, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, nằm trên cao nguyên Lâm Viên ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Thời Pháp thuộc, Đà Lạt có hơn 1.300 biệt thự với kiến trúc đa dạng, nhiều nhất là kiến trúc phía Bắc nước Pháp nên được ví là "tiểu Paris".
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, phấn đấu đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện.
Theo lộ trình đã được duyệt, đến năm 2025, Lâm Đồng sẽ nhập huyện Lạc Dương vào TP. Đà Lạt; thị trấn Lạc Dương trở thành phường của TP. Đà Lạt.
Sau khi sáp nhập, diện tích tự nhiên của TP. Đà Lạt sẽ tăng từ 391,15km2 lên 1.705,09km2, gấp 4,3 lần. Dân số cũng tăng từ 258.014 người lên 293.649 người. Theo đó, TP. Đà Lạt sẽ có 22 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường, 1 thị trấn và 9 xã. Trong đó, tổng số 12 phường cũng đảm bảo tỷ lệ về số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã quy định. Thành phố mới có địa giới hành chính tiếp giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Cũng theo quy hoạch trên, đến năm 2045, TP. Đà Lạt sẽ trở thành quận, thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc Trung ương Lâm Đồng.