Thành phố đông dân nhất Việt Nam: Nhà đất đấu giá tới 17 lần vẫn thất bại
Giới chuyên gia nhận định, có 3 nguyên nhân chính khiến việc đấu giá bất động sản tại thành phố đông dân này liên tục gặp khó.
“Nhức nhối” chuyện công trình đấu giá 17 lần vẫn ế khách
Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã có thông báo đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng tại số 128/10/2 đường Cống Hộp Rạch Bùng Binh, quận 3. Điều đáng nói, tài sản này đã được đấu giá tới lần thứ 18.
Diện tích khu đất theo giấy chứng nhận đạt gần 209m2, hiện trạng có nhà cấp 4, 2 tầng với diện tích sàn xây dựng hợp lệ gần 406m2. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là hơn 10 tỷ đồng. Thời gian đấu giá từ ngày 20/3 đến 9/4. Tiền đặt cọc trước là 2 tỷ đồng, tương đương 20% giá khởi điểm.
Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại số 743/1 Hồng Bằng, quận 6 cũng được đấu giá tới lần thứ 9. Diện tích khu đất hơn 692m2, trong đó có nhà cấp 4 với diện tích sàn xây dựng 178m2. Giá khởi điểm của tài sản là 33 tỷ đồng.
Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 thông báo đấu giá lần thứ 7 quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 543/4 Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10. Diện tích 27,6m2, nhà trong hẻm, gồm 1 trệt 2 lầu, giá khởi điểm hơn 2 tỷ đồng.
Căn hộ số 10.3 Ruby 2 chung cư cao tầng Saigon Pearl, số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh cũng được đem ra đấu giá. Diện tích sàn 138m2, sở hữu lâu dài, giá khởi điểm gần 8,7 tỷ đồng. Khách hàng phải tự xác minh về hiện trạng, tình trạng, các thông tin quy hoạch liên quan đến tài sản và tự chịu trách nhiệm về các vấn đề trên khi đăng ký tham đấu giá.
Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 cũng thông báo không có người tham gia đấu giá lần 8 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 41/8 khu phố 4, phường Hiệp Thành. Một khu đất khác cũng được đấu giá tới lần thứ 14 nhưng bất thành. Tài sản là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 506, tờ bản đồ số 71 tại phường An Phú, TP. Thủ Đức.
Tài sản đáu giá ế khách vì nhiều nguyên nhân
Dẫn tin từ báo Dân trí, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP. HCM, cho biết Luật Tổ chức thi hành án quy định mỗi lần đấu giá tài sản không thành công theo hình thức thi hành án thì giảm giá 10%. Tuy nhiên, nhiều lần đấu giá vẫn bất thành thì có nhiều nguyên nhân.
Lý do chính đầu tiên đó là vấn đề thị trường bất động sản thời gian qua có tính thanh khoản tương đối thấp, khó giao dịch. Thị trường chung "đóng băng", bất động sản giảm giá nhiều. Xu hướng chung ảnh hưởng sức mua đến nhà đầu tư và người có nhu cầu quan tâm.
Thứ 2, giá khởi điểm đấu giá liên quan tới định giá của ngân hàng hay đơn vị thẩm định giá. Tuy nhiên, giá khởi điểm lại phụ thuộc nhiều vào giá trước đây được định giá trong bối cảnh thị trường giao dịch tốt, "sốt đất" và nay không còn phù hợp. Giá bất động sản đấu giá còn cao, hiện nay nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến bất động sản "ngộp" với giá tốt hơn.
Thứ 3, ông Cường chỉ ra đặc thù tài sản liên quan đến thi hành án còn có rủi ro. Nhiều trường hợp mua tài sản đấu giá nhưng việc bàn giao tài sản gặp khó, bàn giao tài sản nhưng không bàn giao giấy tờ do quy trình hay lỗi cơ quan có liên quan. Một số bản án, dù đã được quyết định phúc thẩm, bán đấu giá xong nhưng lại phát sinh việc hủy bản án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng, dính đến tranh chấp.
TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.
Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam (gần 8,9 triệu người) về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022.