Thành phố đông dân thứ nhì Việt Nam sắp đón 'siêu đô thị sân bay' quy mô hơn 1.500ha
Đây sẽ là sân bay thứ hai của thành phố này, dự kiến sau khi sân bay hình thành sẽ tạo nên thành phố mới theo mô hình 'thành phố trong thành phố'.
Theo đề án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng thẩm định phê duyệt vào tháng 2/2024, TP. Hà Nội sẽ xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển, từ đó thành lập thành phố sân bay phía Nam.
Theo đó, về quy hoạch cảng hàng không, quy hoạch Hà Nội đề xuất điều chỉnh công suất Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài đến năm 2030 đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, công suất 60 triệu hành khách/năm và hai triệu tấn hàng hóa/năm); đến năm 2050 đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn ICAO, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Với cảng hàng không quốc tế thứ hai của Thủ đô, cảng có vị trí ở huyện Ứng Hòa, phía Nam đường quy hoạch cao tốc Tây Bắc Quốc lộ 5, phía tây giáp đường trục phát triển kinh tế phía Nam; chức năng hỗ trợ cho CHKQT Nội Bài, phục vụ cho vận tải khách trong vùng Thủ đô.
Sân bay quốc tế thứ hai ở Hà Nội này đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, công suất 30-50 triệu hành khách/năm và một triệu tấn hàng hóa/năm; quy mô diện tích khoảng 1.500ha. Hướng đường cất hạ cánh dự kiến theo hướng 11-29. Hệ thống giao thông kết nối có hai tuyến đường cao tốc, hai tuyến đường trục đô thị, một tuyến đường sắt đô thị (ít ga) và tổ chức chạy tàu nội vùng trên hướng Bắc - Nam để kết nối.
Vị trí triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế thứ hai ở Hà Nội có ưu điểm là nằm trên trục không gian phía nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2; liên kết với đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía nam.
Nhằm triển khai sân bay quốc tế thứ hai của Thủ đô, quy hoạch TP. Hà Nội đưa ra một số nội dung nghiên cứu giải quyết: Cần nâng đường trục kinh tế phía nam lên đường cao tốc để phục vụ kết nối với sân bay thứ hai; cần bổ sung thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay (khoảng 32km); khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ hai có diện tích chiếm đất khoảng 1.700ha; cần di chuyển tuyến điện 500KV ra khỏi ranh giới sân bay.
Hiện nay, việc xây dựng sân bay thứ 2, vùng Thủ đô Hà Nội đang có 2 phương án xây dựng bao gồm: phương án 2A sân bay nằm trên diện tích các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú, huyện Ứng Hòa; phương án 2B sân bay đặt ở một số xã của huyện Ứng Hòa (xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường, Hòa Lâm).
Bên cạnh đó, tại đồ án, TP. Hà Nội cũng dự định sẽ xây mô hình "thành phố trong thành phố" tại một số khu vực xung quanh Thủ đô.
Cụ thể, đồ án sẽ áp dụng mô hình này nhằm tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa).
Việc áp dụng mô hình trên theo UBND TP. Hà Nội sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của thủ đô.
Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển.
Theo số liệu thống kê dân số trung bình được cập nhật của Tổng cục Thống kê, dân số TP. Hà Nội năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người.
Được biết, dân số TP. Hà Nội đông thứ hai cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
TP. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.
Đơn vị hành chính cấp quận tại Hà Nội gồm 12 quận là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.