Thành phố gần 1.000 năm tuổi của tỉnh đông dân nhất Việt Nam chính thức 'lên hạng' đô thị sau khi mở rộng địa giới lên gấp rưỡi
Thành phố trực thuộc tỉnh này sau khi thực hiện sáp nhập với tổng diện tích hơn 228km2 đã đủ điều kiện lên 'lên hạng' đô thị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết dịnh công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thành Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I.
Theo đó, đô thị Thanh Hóa có phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thanh Hóa hiện hữu và huyện Đông Sơn hiện hữu. Diện tích của thành phố Thanh Hóa là hơn 145km2, sau khi sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Đông Sơn sẽ có tổng diện tích hơn 228km2, tăng gấp 1,5 lần so với trước đây.
Khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 30 phường hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa, 2 xã thuộc thành phố Thanh Hóa dự kiến sẽ thành lập phường (gồm các xã: Hoằng Quang và Hoằng Đại), 1 thị trấn và 1 xã thuộc huyện Đông Sơn dự kiến thành lập phường (gồm thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh) có tổng diện tích tự nhiên là 147,627km2.
Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 2 xã hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa (gồm các xã: Đông Vinh và Thiệu Vân) và 12 xã hiện hữu thuộc huyện Đông Sơn (gồm các xã: Đông Văn, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Minh, Đông Thanh, Đông Phú, Đông Nam, Đông Quang) có tổng diện tích tự nhiên là 80,587km2.
Vào ngày 30/7 vừa qua, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã họp và quyết nghị tán thành việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa. Tỉnh đồng thời cũng tiến tiến hành thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP. Thanh Hóa. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 sẽ giảm 1 đơn vụ hành chính cấp huyện và 11 xã, phường.
Trước khi có quyết định sáp nhập TP. Thanh Hóa hiện hữu với huyện Đông Sơn hiện hữu, đã có ý kiến đề xuất đổi tên TP. Thanh Hóa sau khi sáp nhập là TP. Đông Sơn. Tuy nhiên, phía tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc đổi tên gọi sẽ nảy sinh một số bất cập, lãng phí về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, danh xưng Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập các đơn vị hành chính. Trải qua lịch sử, qua từng thời kỳ phát triển của tỉnh Thanh Hóa thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi và trở thành tên gọi mang tính nhận diện của địa phương.
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích tự nhiên hơn 11.000km2. Theo số liệu thống kê năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có dân số 3,72 triệu người. Đây được xem là tỉnh có dân cư đông nhất tại Việt Nam và chỉ đứng sau 2 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. Hà Nội và TP. HCM.