Thanh tra Chính phủ “chỉ mặt” dự án Golden Palace với những sai phạm hiện hữu trên “đất vàng”

Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội giai đoạn 2003 – 2016. Theo đó hàng loạt dự án có vị trí đắc địa trên “đất vàng” Thủ đô được nhắc tên.

Cụ thể, ngày 26-7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội. Theo đó, những sai phạm về tài chính ở các dự án chuyển mục đích sử dụng đất được phát hiện qua thanh tra lên đến gần 4.000 tỉ đồng.

Hàng loạt dự án giao đất không qua đấu giá

Theo kết luận của Thanh tra, tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể. Do đó, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đã xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Trong đó, một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn như: Dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỷ đồng), dự án phát triển nhà Phong Phú – Deawon – Thủ Đức tại 378 Minh Khai (312,9 tỷ đồng).

Song, nhiều doanh nghiệp khác không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên thu về số tiền thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên, dự án tại 365A Minh Khai, dự án 167 Thụy Khuê, dự án 69 Vũ Trọng Phụng, dự án CTCP Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân, dự án CTCP Dụng cụ số 1 tại 108 Nguyễn Trãi, dự án 44 Yên Phụ, dự án 430 Cầu Am,…

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch, TTCP cho biết, tháng 7/2011, Thủ tướng đã có Quyết định 1259 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch triển khai, tổ chức lập 68 đồ án quy hoạch.

Tuy nhiên, TTCP cho rằng, việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm, các đồ án quy hoạch phân khu đến năm 2015 mới được phê duyệt.  Việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.

Cũng theo kết luận, trong số 38 dự án kiểm tra, có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ gồm: Dự án tại 47 Nguyễn Tuân, Dự án 31 Láng Hạ, dự án 108 Nguyễn Trãi và dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum do do Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11- Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư.

Nguồn: Thanh tra Chính phủ.  
Nguồn: Thanh tra Chính phủ.  

Golden Palace – dự án dính nhiều “tai tiếng”

Về việc giao đất không qua đấu giá, Thanh tra Chính phủ lấy ví dụ điển hình là Dự án tại lô đất C3 là một phần dự án khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (có tên gọi khác là Golden Palace).

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, khu đất sạch này đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên cơ quan thanh tra phát hiện năm 2009 UBND thành phố Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá. Điều này vi phạm khoản 1, điều 58 Luật Đất đai 2003 và vi phạm Quyết định số 216/2005 của Thủ tướng.

Kết luận Thanh tra về việc giao đất không qua đấu giá tại dự án Golden Palace. (Nguồn: Thanh Tra Chính Phủ).  
Kết luận Thanh tra về việc giao đất không qua đấu giá tại dự án Golden Palace. (Nguồn: Thanh Tra Chính Phủ).  

Theo tìm hiểu, Golden Palace trên ô đất C3 là một phần của Dự án xây dựng khu nhà ở tái định cư Trung Hòa Nhân Chính do Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) thuộc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư.

Cụ thể, khu đất C3 ven đường Lê Văn Lương thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính có diện tích hơn 2.400 m2, được giải phóng mặt bằng từ tiền ngân sách, được quy hoạch làm bãi đỗ xe.

Năm 2004, UBND TP.Hà Nội có văn bản giao cho Handico, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước làm chủ đầu tư, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng nhà để xe ô tô cao tầng. Đây là dự án xây dựng công trình công cộng thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2006, Hà Nội điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng công trình nhà để xe cao tầng.

Golden Palace tại lô đất C3 – Dự án từ đất công biến thành sở hữu tư  
Golden Palace tại lô đất C3 – Dự án từ đất công biến thành sở hữu tư  

Đến tháng 10/2008, TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà để xe kết hợp văn phòng tại ô đất này cho Handico. Sau đó, giữa năm 2009, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi và giao hơn 2.400 m2 đất ở khu C3 cho Handico thuê. Thực hiện dự án nhà để xe kết hợp văn phòng.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, dưới sự đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư; TP Hà Nội chấp thuận, ký hợp đồng thuê đất với Handico để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng nhà để xe công cộng cao tầng kết hợp văn phòng; Điều chỉnh chức năng khu đất C3 thành khu nhà ở, dịch vụ, thương mại.

Cũng trong năm này, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho liên danh 3 đơn vị là Handico, Công ty Hoàng Cường và Công ty CP Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư dự án tại ô đất C3. Sau 1 năm (3/2011), TP.Hà Nội chấp thuận Dự án đầu tư khu nhà ở, dịch vụ, thương mại tại ô đất C3 cao 17 tầng, 3 tầng hầm, 112 căn hộ, đồng bộ cùng khu dịch vụ thương mại nhà trẻ, văn phòng, tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỉ đồng.

Tháng 11/2012, liên danh chủ đầu tư Handico, Công ty Hoàng Cường và Công ty Hà Nội Xanh báo cáo xin điều chỉnh chủ đầu tư dự án. Sau đó, TP.Hà Nội đã chấp thuận, chỉ còn Công ty Hoàng Cường làm chủ đầu tư dự án.

Hai năm sau (11/2014), TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án là Công ty Hoàng Cường. Tháng 1/2015, Sở Tài Nguyên và Môi trường báo cáo việc Công ty Hoàng Cường và Handico đã ký thanh lý hợp đồng, hoàn trả cho Handico chi phí đầu tư xây dựng là hơn 46 tỉ đồng. Thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thiện tòa nhà cao tầng có tên thương mại là Golden Palace, Công ty Hoàng Cường đã bán căn hộ cho các hộ dân đến ở ổn định.

Liên quan đến các sai phạm nói trên, tháng 3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc cơ bản đồng ý với kiến nghị của TTCP tại Kết luận Thanh tra số 1468 (tháng 9/2018) và Báo cáo số 08 (tháng 1/2021). Yêu cầu UBND TP Hà Nội và các cơ quan, tổ chức thực hiện các kiến nghị tại văn bản nêu trên.

Cao Lãng

Theo Kinh doanh & Phát triển