Thanh tra Chính phủ điểm loạt dự án chậm tiến độ trên 20 năm ở TP.HCM
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại TP. HCM. Đồng thời yêu cầu, quá trình kiểm tra, rà soát và thực hiện kết luận thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự, phải chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Nhiều bất cập trong công tác quy hoạch
Theo kết luận thanh tra, UBND TP. HCM triển khai lập đồ án quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2025 kéo dài hơn 3 năm là thực hiện không đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, hiện trạng sử dụng đất của bản đồ trong Hồ sơ đồ án Quy hoạch chung được phê duyệt và hiện trạng sử dụng đất thực tế của một số khu đất trong quy hoạch tại một số khu vực có sai khác, chưa đúng theo quy định khi lập Hồ sơ đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị dẫn đến một số khu vực trên bản đồ hiện trạng không chính xác, thiếu thực tế như tại Quận 6, Quận 7, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn,...
Bên cạnh đó, thời gian lập đồ án quy hoạch kéo dài, nội dung chưa đầy đủ, thiếu cập nhật kịp thời, làm giảm chất lượng quy hoạch và gây khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện. Một số khu vực có định hướng quy hoạch đô thị chưa phù hợp thực tế, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư.

Quá trình tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung quận, huyện còn lỏng lẻo, nhiều nội dung chưa phù hợp với quy hoạch chung của thành phố. Một số quy trình quan trọng, như thành lập hội đồng thẩm định, lấy ý kiến chuyên môn hay trình thông qua HĐND TP, chưa được thực hiện đầy đủ.
Riêng quy hoạch phân khu (QHPK) tỷ lệ 1/2.000 tồn tại nhiều bất cập, như phê duyệt sai chức năng sử dụng đất giữa các cấp quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần mà không tính toán đến sự đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Vẫn theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2011 - 2023, TP. HCM đầu tư hơn 528 tỷ đồng cho công tác lập quy hoạch, con số này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị. Trong khi đó, vốn đầu tư cho hạ tầng còn thiếu và dàn trải.
Ba lĩnh vực trọng điểm—giao thông, môi trường và chống ngập—chiếm 60% tổng nhu cầu vốn đầu tư (hơn 950.000 tỷ đồng), nhưng ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%. Điều này khiến hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, gây ùn tắc giao thông, ngập úng, và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Loạt dự án treo, lãng phí nguồn vốn
Ngoài ra, kết luận của TTCP cũng xác định, nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ hoặc “treo” kéo dài.
Nhiều dự án quy hoạch đã trên 20 năm nhưng không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện rất chậm như Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa 426,93 ha, Khu đô thị Tây Bắc - Củ Chi khoảng 6.000 ha, công viên Sài Gòn Safari khoảng 456 ha, ga Bình Triệu khoảng 41 ha, rạch Xuyên Tâm dài 6,7 km...
Một số dự án tại một số quận/huyện được kiểm tra cũng chậm tiến độ: Quận 6 có 7 dự án, quận Tân Phú có 02 dự án, huyện Bình Chánh có 02 dự án, quận 7 có 12 dự án, quận Bình Thạnh có 11 dự án, huyện Hóc Môn có 02 dự án, Thành phố Thủ Đức có 12 dự án.
"Việc thực hiện rất chậm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của TP; công tác quản lý quy hoạch xây dựng cũng còn chưa chặt chẽ, nhiều nơi còn buông lỏng nhất là các huyện, việc lấn chiếm đất nông nghiệp chuyển sang đất ở, đất kinh doanh còn diễn biến phức tạp", văn bản nêu.

Theo cơ quan thanh tra, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch là do việc tuân thủ quy định của pháp luật của một số cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện quy hoạch còn chưa nghiêm; quản lý quy hoạch nhiều nơi còn buông lỏng, chưa sâu sát, chỉ đạo và xử lý vi phạm thiếu kiên quyết;...
Cùng với đó, nhiều quận, huyện có hàng loạt dự án bị đình trệ, làm lãng phí nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng và UBND TP. HCM kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.
UBND TP. HCM cần rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ và tuân thủ đúng quy định. Đồng thời, thành phố cần truy thu tiền sử dụng đất phát sinh từ việc điều chỉnh quy hoạch để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Đối với các dự án chậm tiến độ, UBND TP. HCM phải rà soát, đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, TTCP cho rằng, cần có chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo phát triển nhà ở xã hội đúng kế hoạch.
Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, quá trình kiểm tra, rà soát và thực hiện kết luận thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.