Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm trong quản lý đất đai hàng loạt dự án tại tỉnh Kon Tum
Thanh tra Chính phủ vừa công bố văn bản kết quả thanh tra số 1919/TB-TTCP về việc quản lý, sử dụng đất và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra dự án có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 1/1/2016 đến 31/12/2019.
Nhiều vi phạm tại 3 dự án thuỷ điện
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tỉnh Kon Tum đã xảy ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, công tác quản lý đất công, đất công ích, việc giao đất cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng đất, việc cho thuê đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong việc quản lý giám sát, quyền nghĩa vụ của người sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư đối với một số dự án ngoài ngân sách, giai đoạn 2016-2019 đã có 270 tổ chức được UBND tỉnh Kon Tum giao đất, cho thuê đất, trong đó có nhiều dự án sai phạm.
Trong đó, có ba dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cụ thể, Dự án Thủy điện Đắk Re do Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư (tại xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum và một phần xây dựng nhà máy thuộc tỉnh Quảng Ngãi) quy mô dự án 60MW, diện tích sử dụng đất 192,155 ha, tiến độ thực hiện dự án 2007 - 2021.
Kết quả thanh tra chỉ rõ dự án đã triển khai thi công từ năm 2016 khi chưa đủ điều kiện khởi công nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là thể hiện sự buông lỏng quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng.Tại thời điểm thanh tra, dự án chậm tiến độ đủ điều kiện thu hồi tiền ký quỹ, nhưng cơ quan chức năng không thu hồi tiền ký quỹ là thiếu trách nhiệm; việc UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đât để thực hiện dự án khi Chủ đầu tư không thực hiện ký quỹ là vi phạm Luật Đất đai 2013;
UBND tỉnh Kon Tum giao đất, cho thuê đất tăng 25,42 ha là việc làm tuỳ tiện, đến ngày 01/4/2020 UBND tỉnh mới điều chỉnh chủ trương đầu tư có dấu hiệu hợp thức hóa cho việc cho thuê đất vượt nhu cầu của dự án. Khi điều chỉnh quy mô (30 MW lên 60 MW), diện tích dự án tăng từ 175,045 ha lên 192,155 ha, Chủ đầu tư không lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án Chủ đầu tư còn có một số vi phạm như: chiếm dụng đất trái phép để thi công; chiếm dụng đất làm bãi trữ đá số 1, 2…
Tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư, tại huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông, TTCP cho biết, dự án đã được thực hiện trong thời gian dài (từ 2009 đến nay) và UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản cho phép điều chỉnh thực hiện nhưng tiến độ thực hiện dự án vẫn không đảm bảo tiến độ;
UBND tỉnh không yêu cầu Chủ đầu tư lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án, tăng diện tích đất; không thực hiện thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất; không yêu cầu Công ty thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp… là trái quy định, gây thất thu ngân sách Nhà nước…
Đối với diện tích 501,55 ha là đất rừng nhưng đã đưa vào sử dụng vào mục đích khác từ năm 2011 đến 2016, nhưng UBND tỉnh buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định chuyển mục đích rừng sang sử dụng vào mục đích khác, vi phạm quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004; trong quá trình thực hiện thi công, Công ty đã tự ý đổ đất, đá thải trái quy định…
Đối với Dự án Thủy điện Đăk Psi 6 do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Psi 6 làm Chủ đầu tư tại huyện Đăk Hà và huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum; Tổng mức đầu tư ban đầu 340.451,16 triệu đồng (sau điều chỉnh lên 396.122,97 triệu đồng); diện tích sử dụng khoảng, 64,09 ha.
Dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt là sai; dự án khởi công khi chưa được giao đất, chưa hoàn thành chỉ trả bồi thường giải phóng mặt bằng là vi phạm Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014; khi thi công dự án Chủ đầu tư đào đất, san ủi làm đập đã đổ đất thải trái phép, làm thu hẹp lòng sông Đãk Psi; Tổng diện tích đất Công ty sử dụng 51,7 ha trong khi mới được thuê 13,61 ha nhưng cơ quan chức năng không xử lý hành vi chiếm dụng đất; Dự án bị chậm tiến độ…
Đối với sai phạm của 3 dự án thuỷ điện nêu trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý sai phạm của các doanh nghiệp trên và thu hồi số tiền liên quan đến vi phạm ký quỹ của ba dự án gần 56 tỷ đồng.
Loạt dự án giao đất không đúng quy định, không qua đấu giá
Bên cạnh dự án thuỷ điện, những sai phạm của hàng loạt dự án khác cũng được chỉ ra trong kết luận của TTCP. Trong đó, dự án siêu thị Co.opmart Kon Tum do Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM làm chủ đầu tư trên khu đất có giá trị thương mại cao nhưng UBND tỉnh đã thực hiện việc đấu giá và cho thuê đất không đúng quy định, thiếu trách nhiệm giám sát dự án, có nguy cơ làm thất thu ngân sách, để doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuê đất phải nộp trong 15 tháng với số tiền hơn 68 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị lên Thủ tướng, yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum kiểm điểm trách nhiệm, chỉ đạo kiểm tra, xử lý sai phạm theo quy định phù hợp với thực tế tại địa phương để tránh làm lãng phí, thất thu ngân sách Nhà nước và bỏ lọt vi phạm. Giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra gần 195 tỷ đồng.
Với hai dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum và Bệnh viện Vạn An đã đi vào hoạt động, UBND tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm rà soát lại việc thực hiện để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đối với dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố của FLC, UBND yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo tiến độ, trường hợp vi phạm tiến độ thì chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo quy định.
Tại án Tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư sai phạm trong việc UBND tỉnh giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá.
Sau hơn một năm kể từ khi thực hiện đấu giá thành công vào ngày 8/8/2019, FLC đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng UBND tỉnh thiếu quyết liệt trong xử lý hủy kết quả đấu giá. Đến ngày 16/9/2020, FLC mới nộp tổng số tiền trúng đấu giá là 204,6 tỷ đồng và 20,8 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp.
Dự án còn vi phạm quy định về Luật đất đai 2013 khi chưa đầu tư hoàn thành đã tự ý tách thửa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với thời hạn lâu dài. Phía Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi và cấp lại quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ còn cho biết, việc giao đất, cho thuê đất tại 4 huyện, thành phố (TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Ngọc Hồi, huyện Kon Rẫy) có nhiều sai phạm. Riêng tại TP Kon Tum có tình trạng giao đất vượt hạn mức, giao đất cho 43 trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư, khiến nguy cơ thất thu cho ngân sách hơn 3,5 tỷ đồng.
Huyện Đắk Hà có 85 trường hợp giao đất không qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong thời gian dài. Một số công chức của huyện được giao diện tích đất lớn và nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu. Các huyện còn lại chủ yếu vi phạm giao đất không qua đấu giá.