Thị trường bất động sản: Đầu năm gặp khó, cuối năm khởi sắc

Càng đến giai đoạn giáp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, thị trường bất động sản càng xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc khi nguồn cung và sức cầu đều tăng. Điều này cho thấy, dòng tiền đã bắt đầu quay trở lại với thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản: Đầu năm gặp khó, cuối năm khởi sắc - Ảnh 1

Có thể thấy, năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng. Kể từ tháng 5/2022 cho đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã phủ bởi “gam màu xám xịt” khi hàng nghìn dự án phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc tạm đóng cửa. Việc này kéo theo hàng ngàn nhân viên môi giới bất động sản phải bỏ nghề, thị trường rơi vào khó khăn kéo dài. Dù vậy, thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khởi sắc ở giai đoạn cuối năm.

Nguồn cung và sức cầu được cải thiện

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, càng về giai đoạn cuối năm, tỷ lệ hấp thụ đã bắt đầu ghi nhận các tín hiệu khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023. Đây là thời điểm các chủ đầu tư mạnh tay tung ra các chính sách ưu đãi như giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất, tặng vàng cho khách hàng, chiết khấu cao lên đến hơn 40%... Chỉ riêng trong hai quý cuối năm, số lượng nhà được bán đã tăng hơn 60% tại Hà Nội và tăng gấp đôi tại TP.HCM so với nửa đầu năm.

Thị trường bất động sản: Đầu năm gặp khó, cuối năm khởi sắc - Ảnh 2

Số liệu của VARS cũng chỉ rõ: trong quý IV/2023, tổng nguồn cung đạt 21.774 sản phẩm, tăng 6% so với quý trước. Số lượng giao dịch tương đương với quý III/2023 và gấp đôi so với các quý đầu năm. Tỷ lệ hấp thụ tiếp tục được cải thiện, đạt 26%, tăng 12 điểm % so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương với quý III/2023. Tính chung cả năm 2023, tỷ lệ hấp thụ trên toàn thị trường đạt 33%, với khoảng 18.600 căn hộ, sản phẩm thấp tầng được giao dịch thành công, tương đương với tổng lượng giao dịch nhà ở năm 2022, nhưng vẫn chỉ bằng 17% so với năm 2018. Phân khúc căn hộ trung cấp dẫn đầu về số lượng giao dịch, chiếm 43%, theo sau là phân khúc căn hộ cao cấp, chiếm 27%.

Về khả năng hấp thụ của thị trường, đại diện VARS chia sẻ: lượng giao dịch khó bật tăng do nguồn cung khan hiếm, không phù hợp với khả năng tài chính của người mua, mặt bằng lãi suất giảm nhưng nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận với nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được điều kiện vay vốn... Một số nguồn cung được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, được kỳ vọng tạo "cú hích" cho thị trường lại không "ra" được do không đáp ứng được yêu cầu pháp lý.

Cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản quý III/2023 đã có nhiều tín hiệu tích cực khi mức độ quan tâm của thị trường Hà Nội tăng 6%, TP. HCM tăng 1%, cả nước tăng 3%. Riêng căn hộ chung cư ghi nhận mức tăng ở cả giá bán và mức độ quan tâm của người tìm kiếm bất động sản. Tại TP.HCM, nhu cầu tìm kiếm căn hộ có sự cải thiện từ tháng 10.

Theo đó, lượt tìm mua căn hộ chung cư tại TP. HCM tăng 15%, tin rao tăng 5% so với tháng trước. Trong đó, các quận nội thành có lượt tìm mua tăng mạnh là; quận 3 (tăng 18,3%); Bình Thạnh (tăng 18,9%); quận 1 (21,1%), quận 8 (20%). Các khu vực khác như quận 2, quận 7, quận 10, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp ghi nhận nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng từ 13-17%.

Một số tỉnh thành phía Nam cũng ghi nhận lượt tìm kiếm chung cư trong tháng 10 tăng gồm: Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 11%, Bình Dương tăng 19%, Cần Thơ tăng 10%, Long An tăng 10% và Đồng Nai tăng 14% so với tháng 9.

Kỳ vọng nguồn cung sẽ bật tăng trong năm 2024

Theo đánh giá từ các chuyên gia, kỳ vọng trong năm 2024, nguồn cung mới sẽ được tăng trưởng trở lại ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Dự báo tại thị trường Hà Nội sẽ ghi nhận gần 16.000 căn hộ chung cư và hơn 6.000 căn nhà ở thấp tầng mở bán mới, phần lớn đến từ các dự án đại đô thị ở phía Tây và phía Đông thành phố.  Còn tại TP.HCM, nguồn cung dự kiến duy trì hạn chế, đón nhận lần lượt hơn 9.000 căn hộ chung cư và 1.000 căn nhà ở thấp tầng. Trong ngắn hạn, nguồn cung khó có sự bùng nổ. Điều này sẽ khiến giá bán tiếp tục neo ở mức cao.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, nếu nhìn về triển vọng thị trường bất động sản trong thời gian tới, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất đang theo hướng bình ổn trở lại. Trong khi đó, các yếu tố về chính sách và pháp lý đang trong lộ trình sửa đổi và thông qua, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất sẽ góp phần cải thiện niềm tin thị trường, từ đó giúp thị trường phục hồi trong năm 2024.

Giới chuyên gia nhận định, mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng thị trường đã đi qua vùng đáy. Dự báo năm 2024 sẽ là năm bứt phá, đẩy nhanh đà phục hồi của thị trường này.

Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group nhận định, Nguồn cung, sức cầu thị trường vào đầu năm 2024 không có nhiều biến động so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, từ quý III/2024 trở đi, kỳ vọng sẽ khởi sắc khi những chính sách pháp lý đủ độ “ngấm” lên thị trường, giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cũng như triển vọng phục hồi của nền kinh tế.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống