Thị trường chứng khoán tháng 4/2021: Vững vàng trên nền giá mới

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiếp tục thể hiện nội lực mạnh mẽ khi vượt qua các nhịp rung lắc mạnh trong tháng 3 và đã đi lên vùng cao mới trong những phiên đầu tháng 4 với sự tham gia tích cực của khối nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiếp tục thể hiện nội lực mạnh mẽ khi vượt qua các nhịp rung lắc mạnh trong tháng 3 và đã đi lên vùng cao mới trong những phiên đầu tháng 4 với sự tham gia tích cực của khối nhà đầu tư cá nhân. Nhóm vốn hóa trụ cột đã lấy lại được động lực giúp vùng cản tâm lý 1.200 điểm của VNIndex được vượt qua một cách thuyết phục và hiện trở thành vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số.

Theo đánh giá của SSI Research, tháng 4 được dự đoán sẽ là tháng thuận lợi, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khi: Chính sách tiền tệ duy trì thận trọng và ổn định được kỳ vọng có thể giúp hạn chế được rủi ro lạm phát; Cổ phiếu Ngành ngân hàng công bố kết quả kinh doanh (KQKD) Q1/2021 tăng trưởng vượt trội và đà tăng này tiếp tục lan tỏa sang các ngành khác trong quý 2; cuối cùng và quan trọng nhất, các số liệu vĩ mô cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Thị trường chứng khoán.

Các nhân tố nền tảng trên được kỳ vọng sẽ giúp kích hoạt trở lại dòng vốn từ khối ngoại. Diễn biến bán ròng mạnh ở thị trường Việt Nam trong tháng vừa qua nằm trong xu hướng yếu đi của dòng vốn tại khu vực Châu Á nhưng các tín hiệu tích cực về dòng vốn ETF trong thời gian tới, như dòng tiền quay trở lại Quỹ VFM VN30 ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ bắt đầu giải ngân từ đầu tháng 4.

Các giải pháp cụ thể đang được triển khai để khắc phục tình trạng quá tải giao dịch trên HOSE, sự tham gia tích cực của khối NĐT cá nhân cùng với sự quay trở lại của các quỹ ETF sẽ tiếp thêm động lực cho VNIndex hướng tới các vùng điểm số cao hơn với vùng mục tiêu gần tại 1.250 điểm và xa hơn là 1.350-1.400 điểm trong thời gian tới. Đây cũng là vùng điểm số tương ứng P/E mục tiêu 18 lần của VNIndex trong kịch bản cơ sở đã đưa ra.

Quan điểm thị trường tháng 4/2021

Chính sách tiền tệ duy trì thận trọng và ổn định được kỳ vọng có thể giúp hạn chế được rủi ro lạm phát, dài hạn kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế. Trên quy mô toàn cầu, việc mở rộng cung tiền mạnh mẽ đã kéo dài hơn một năm và triển vọng hồi phục kinh tế theo mô hình chữ V sau khi từng bước kiểm soát được đại dịch Covid-19 đã khiến gia tăng mối lo ngại lạm phát cũng như việc các Ngân hàng trung ương có thể rút lại các chính sách hỗ trợ sớm hơn dự kiến.

Tại Việt Nam, bức tranh phục hồi của nền kinh tế đã trở nên rõ nét hơn sau khi số liệu Q1/2021 được công bố, thể hiện ở hầu hết các chỉ tiêu bao gồm: tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ, bán lẻ phục hồi tốt, kim ngạch xuất nhập khẩu và vốn FDI đều tăng trưởng mạnh mẽ, du lịch và vận tải phục hồi với mức giảm thu hẹp đáng kể.

Kỳ vọng tăng trưởng GDP so với cùng kỳ của Q2/2021 sẽ là đỉnh của năm 2021 và sau đó sẽ quay về mức bình thường từ nửa cuối 2021, đạt mức 6-6,5% trong cả năm 2021 và 7% năm 2022. Mặt khác, CPI tháng 3 giảm -0,27% so với tháng trước và có nghĩa là CPI bình quân chỉ tăng 0,29% so với cùng kỳ năm ngoái (mức thấp nhất trong 20 năm theo tính toán của Tổng cục Thống kê). Tuy nhiên, có thể thấy việc chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn rất thận trọng và mang tính chất ổn định cao. Tính từ đầu năm đến nay, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở và kênh ngoại tệ đều bằng 0. Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các ngân hàng thương mại trong phạm vi nghiên cứu là 9% - thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020.

Đây là mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12% - thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm 2020 là 14%. Hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng tăng mạnh hơn, lạm phát cũng tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng. Vì vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng nhẹ từ 30-50bps vào nửa cuối năm 2021, tuy nhiên về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định.

Động lực mạnh mẽ từ nhóm Ngân hàng

Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong Q1/2021, nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong Q4/2020.

Với các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu, so với cùng kỳ ước tính lợi nhuận thực tế sẽ tăng khoảng 55% -65%. Các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn mức bình quân khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Chiếm tỷ trọng vốn hóa khoảng 30% trên VNIndex, cổ phiếu nhóm Ngân hàng có nhiều động lực dẫn dắt thị trường chung trong thời gian tới. Bên cạnh nhóm Ngân hàng, các ngành khác cũng có những đại diện có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1 như HPG, HSG, KBC, DCM, DPM, FPT, DGC, PVT, IMP, TRA. Quan trọng hơn, đà tăng này có khả năng tiếp tục được duy trì trong quý 2.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà tiến đến các vùng điểm số cao hơn

Chỉ trong 3 ngày giao dịch đầu tiên của tháng 4, VNIndex đã tăng 3,74% cao hơn mức tăng 1,97% cho cả tháng 3. Nhóm VN30 đã lấy lại được động lực với mức tăng 4,49%, mạnh mẽ hơn mặt bằng chung và khối ngoại cũng đã giảm bán ròng rõ rệt. Vùng cản tâm lý 1.200 điểm được vượt qua một cách thuyết phục và hiện trở thành vùng hỗ trợ mạnh giúp nhà đầu tư tự tin hơn ở mặt bằng giá mới. Nhiều giải pháp đang được các cơ quan quản lý thị trường tích cực triển khai nhằm khắc phục tình trạng quá tải hệ thống trên HOSE và đây cũng sẽ là yếu tố thuận lợi thúc đẩy VNIndex thêm động lực hướng tới vùng mục tiêu gần tại 1.250 điểm và xa hơn là 1.350-1.400 điểm trong thời gian tới.

Minh Châu

Theo doanh nghiệp Việt Nam