Vốn từ đâu ồ ạt chảy vào chứng khoán, bất động sản?
Cơ quan quản lý cần quan tâm, kiểm soát, tránh để hình thành bong bóng tài sản, trong đó có bong bóng bất động sản và bong bóng chứng khoán.
Dòng vốn làm nóng thị trường chứng khoán, bất động sản
Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, dòng tiền chảy rất mạnh vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Đặc biệt, thời gian gần đây, từ Bắc chí Nam, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, nhất là đất vùng ven.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, tình trạng trên đã được cảnh báo từ hồi đầu năm nay. Thời điểm đó, số lượng nhà đầu tư F0 tăng lên một cách đột biến trên thị trường chứng khoán và bản thân thị trường này cũng tăng nóng trong một thời gian ngắn.
Đối với thị trường bất động sản, bất chấp đại dịch Covid-19,hầu hết các phân khúc bất động sản vẫn giữ giá, thậm chí tăng giá. Đặc biệt, sau Tết trở lại đây, giá đất sốt xình xịch ở nhiều địa phương.
Theo ông Thịnh, có nhiều dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản, trong đó phải tính tới là dòng tiền từ ngân hàng.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thời gian qua hạ xuống một xuống thấp, nhiều ngân hàng chỉ ở mức 2,5-3%/năm, thấp hơn cả mức lạm phát kỳ vọng (khoảng 4%).
"Ngân hàng hạ lãi suất là có lý do, vì họ có nhiều tiền nhưng chưa cho vay được, trong khi NHNN không cho phép hạ chuẩn cho vay. Bình thường trước đây, mức sử dụng vốn huy động khoảng 85-90%, nhưng thời gian quan, mức sử dụng chỉ chừng 70%, tức tiền trong ngân hàng rất nhiều, khả năng thanh toản tốt nên ngân hàng hạ thấp lãi suất", ông Thịnh lý giải và cho rằng, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng bị hạ thấp, người dân dễ rút tiền để tìm một kênh đầu tư khác có lời hơn, như chứng khoán, bất động sản.
Thế nhưng, với thị trường chứng khoán, sau một khoảng thời gian tăng lên rất nóng thì thời gian gần đây đã hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư chốt lời, đem tiền đổ vào bất động sản.
Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, nhất là đất nền. |
Một nguồn tiền khác đổ vào bất động sản, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh là tiền từ khu vực kinh tế phi chính thức - một trong các thành phần kinh tế chưa quan sát được. Ở đó, có những cá nhân, hộ gia đình kinh doanh ở những lĩnh vực chưa được tính đến, bị bỏ sót hoặc trong các lĩnh vực mới phát sinh. Đó là những hoạt động hợp pháp và việc họ quay trở lại khu vực kinh tế chính thức là họat động bình thường trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở khu vực kinh tế phi chính thức, ông Thịnh còn lưu ý đến một luồng tiền nữa, đó là tiền có được từ những hoạt động "ngầm", mang tính chất bất hợp pháp, như mua bán tiền ảo, kinh doanh forex hay cá cược, cờ bạc trên mạng. Số tiền bất hợp pháp này được một số chủ thể chuyển sang khu vực kinh tế chính thức, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản để hợp thức hóa.
"Nói thẳng ra đây là một hình thức rửa tiền. Tuy nhiên, số này không nhiều vì thực ra người được từ kinh doanh forex, tiền ảo rất ít, mà người thua thì nhiều", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Quản lý chặt để tránh hình thành bong bóng tài sản
Nói thêm về luồng vốn từ ngân hàng đổ vào chứng khoán, bất động sản, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, nếu như người dân vay tiền của ngân hàng để sửa chữa, mua bán nhà cửa thì được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng nếu vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản thì không dễ vì ngân hàng quản rất chặt.
"Chỉ có những người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng như một khoản đầu tư, khi lãi suất xuống thấp thì họ tìm đến kênh đầu tư khác. Vàng thì quá nguy hiểm, còn chứng khoán sau thời gian tăng nóng cũng đã giảm dần, thậm chí có thời điểm giảm sâu, nhiều nhà đầu đã chốt lời. Cho nên, nhiều người đổ tiền vào bất động sản. Đây là quyền lựa chọn của người dân, không phải ai cũng theo tâm lý đám đông", ông Thịnh nói.
Đối với doanh nghiệp, theo vị chuyên gia, khả năng doanh nghiệp vay tiền ngân hàng mới mục đích khác rồi đổ vào chứng khoán, bất động sản ít xảy ra, bởi ngân hàng kiểm soát nguồn vốn cho vay rất chặt chẽ.
"Tất nhiên trong một vài tình huống nào đó có thể có một số chủ thể lách được, nhưng thực tế về nguyên tắc, ngân hàng sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khoản cho vay, nhất là khi đó là khoản vay lớn, việc giải ngân được thực hiện theo tiến độ dự án", ông bày tỏ quan điểm.
Nhìn dòng tiền đổ vào chứng khoán ở thời điểm phát triển nóng cho đến nay, ông Thịnh cho rằng nhà đầu tư có hiểu biết, nhận thức nhất định về thị trường và cũng có được nhiều bài học về thị trường trong thời gian trước nên họ tỉnh táo hơn.
Nhưng với thị trường bất động sản, ông bày tỏ sự lo lắng khi trước nay vẫn tồn tại một quan niệm: đầu tư vào đất không bao giờ lỗ, nên nhiều nhà đầu tư cứ thế lao vào.
Điều đáng nói, nếu quản lý lỏng lẻo, để thị trường phát triển quá nóng rất dễ hình thành nên các bong bóng tài sản, trong đó có bong bóng bất động sản và bong bóng chứng khoán. Khi ấy nguy cơ khủng hoảng kinh tế rất dễ xảy ra vào những tháng cuối năm.
Vì thế, ông Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý, cảnh báo những hoạt động hình thành nên các bong bóng tài sản và phải coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2021.