Thị trường địa ốc đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2024
Trải qua một năm 2023 đầy biến cố, thị trường bất động sản đang dè dặt từng bước phục hồi nhờ tác động tích cực từ chính sách. Thị trường kỳ vọng vào năm 2024 sẽ được cải thiện tốt hơn khi các yếu tố cần và đủ về cơ bản được đáp ứng.
Trợ lực từ hành lang pháp lý mới
Kể từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản đã đón nhận nhiều chính sách tích cực được Chính phủ ban hành, đồng thời, các Bộ, Ban ngành và doanh nghiệp cũng nỗ lực hết sức gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trên toàn bộ phương diện. Đặc biệt, mới đây, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Các chuyên gia kỳ vọng, những dự án luật liên quan đến đất đai, nhà ở sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Nhận định về những tác động của các chính sách nêu trên, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường bất động sản về cơ bản đã và đang đi qua vùng đáy, bắt đầu phục hồi. Một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường là chính sách tiền tệ đã dần được tháo gỡ trong năm 2023 và sẽ trở nên linh hoạt, nới lỏng hơn trong năm 2024. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản năm 2024 đón nhận những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, tín dụng ngân hàng, một số luật liên quan đến thị trường bất động sản vừa được thông qua.
Chưa kể, mức lãi suất đã đạt độ hấp dẫn để có thể kích thích phát triển thị trường. Từ đầu năm đến nay, NHNN liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành. Lãi suất huy động, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng đã giảm xuống để phù hợp hơn với nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản.
Sắp tới, Luật Đất Đai sửa đổi sẽ sớm được thông qua, giải quyết các vấn đề của luật cũ. Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holdings nhận định, hiện nay, nhiều dự án bất động sản vẫn đang gặp vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, khiến cho dự án không thể triển khai. Do đó, chỉ khi luật hóa chi tiết vấn đề này mới giúp các dự án được thực hiện dễ dàng hơn.
Theo ông Hậu, ách tắc pháp lý là nguyên nhân khiến nhiều dự án không thể triển khai bán hàng, không huy động được nguồn vốn, đi vay lại càng khó khăn. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn giãn nợ trái phiếu, thu xếp dòng tiền để trả nợ nên phải cân nhắc tiết kiệm chi phí hết mức có thể.
Có nên xuống tiền đầu tư bất động sản năm 2024?
Các nhà nghiên cứu đang dự đoán một môi trường đầu tư bất động sản tích cực hơn trong năm 2024. Theo đó, hoạt động đầu tư sẽ tăng mạnh trên toàn cầu với sự hồi phục được thúc đẩy bởi một số thị trường lớn…
TS Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường địa ốc, bởi lãi suất giảm và giá BĐS được điều hòa hợp lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với một số khó khăn lớn như dòng tiền, sức cầu và nguồn nhân lực. Để đón đầu xu hướng bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án.
Theo phân tích của TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services đánh giá, thị trường bất động sản đang đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái. Dự báo, thị trường sẽ phục hồi dần từ đáy chữ U, nhưng tốc độ phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là sự cải thiện niềm tin thị trường.
Dựa trên các dữ liệu phân tích thị trường tính đến ngày 31/12/2023, các chuyên gia Dat Xanh Services dự báo, trong năm 2024, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung tăng 20-30%, lãi suất cho vay thả nổi dao động từ 10-12%/năm, giá bán tăng 3-5% và tỷ lệ hấp thụ đạt 30-35%.
Cụ thể, tại khu vực Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung bất động sản thương mại - văn phòng cho thuê sẽ đón nhận khoảng 420.000 m2 sàn, nâng tổng cung toàn thị trường lên khoảng 5,12 triệu m2 sàn, tăng 9% so với năm 2023.
Nguồn cung mặt bằng thương mại bán lẻ sẽ đón nhận thêm khoảng 201.000 m2 sàn, tăng 6%. Tương tự, nguồn cung bất động sản công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực miền Bắc dự kiến có thêm khoảng 1.140 ha, tăng khoảng 8% theo năm; khu vực miền Nam dự kiến được bổ sung khoảng 1.337 ha, tăng khoảng 5% theo năm.
Đối với phân khúc bất động sản nhà ở, dự kiến nguồn cung sản phẩm mới (từ các dự án đã có kế hoạch mở bán) vào khoảng 29.300 sản phẩm, nâng tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường năm 2024 lên 63.200 sản phẩm, tăng khoảng 34% so với năm 2023.
Đánh giá chung về thị trường, Dat Xanh Services cho rằng, sức mua khó bật mạnh nhưng có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023, tập trung chủ yếu tại 2 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực, giá bán vừa túi tiền sẽ dẫn dắt thị trường. Phân khúc nhà ở cho thuê dự báo tăng trưởng tốt, giá thuê nhà sẽ tăng.