Thị trường kỳ vọng vào các động thái nới lỏng tín dụng

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và người mua nhà chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu giải pháp để hạ 1 – 2%/năm lãi suất cho vay sẽ mang đến những tác động “kép” đối với thị trường này.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%.

Thị trường kỳ vọng vào các động thái nới lỏng tín dụng - Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho biết, hiện nay các kênh huy động vốn vào thị trường địa ốc rất hạn chế, nguồn vốn ngoại đang được xem là chủ lực. Giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay nhằm tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các ngành nghề, trong đó có lĩnh vực nhà ở. Đây cũng được xem là thông tin tích cực đối với thị trường địa ốc.

Theo ông Đính, với động thái chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước, không chỉ mang đến những tác động tích cực cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, mà còn đối với cả người mua nhà. Vì nếu được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hơn, bảo đảm được lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư; đồng thời cũng kích thích nhu cầu mua nhà, sở hữu nhà của người dân.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, điều quan trọng là các doanh nghiệp bất động sản có tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hay không. Nếu nhìn vào thực tế thời gian gần đây mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay nhưng đầu ra của thị trường địa ốc vẫn “ách tắc”. Nguyên nhân được ông chỉ ra là do doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó trong tiếp cận với các khoản vay, ngân hàng siết chặt quy định về điều kiện được vay vốn.

Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội; khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...

Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết liệt thúc đẩy tiến độ triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Thường xuyên giám sát, đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội năm 2024 được giao.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống