Thị trường M&A đầu năm 2022: Hàng loạt thương vụ ‘bom tấn’ của Novaland, Masterise Homes,… được ‘kích nổ’
Với việc quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm thì giới chuyên gia nhận định, thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) bất động sản trong năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục sôi động. Dù mới chỉ kết thúc quý I/2022 nhưng thị trường M&A đã được hâm nóng với hàng loạt thương vụ đáng chú ý của nhiều ‘ông lớn’ địa ốc như Novaland, Masterise,…
Thị trường M&A được dự báo vẫn sẽ cực kỳ sôi động
Dù phải chịu áp lực từ dịch bệnh, thị trường bất động sản vẫn diễn ra cực kỳ sôi động trong năm 2021. Đáng chú ý, hoạt động M&A bất động sản cũng là một trong các lĩnh vực có tổng giá trị giao dịch cao nhất.
Có thể thấy, năm vừa qua, những thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD ngày càng nhiều hơn và doanh nghiệp trong nước cũng đóng vai trò chủ đạo.
Với nhiều doanh nghiệp bất động sản, hoạt động M&A được xem là một trong những kênh quan trọng trong chiến lược gia tăng thị phần trong ngành BĐS thông qua sở hữu quỹ đất lớn hoặc các dự án đầu tư có quy mô.
Theo nghiên cứu mới đây của JLL Việt Nam cho thấy, đối với một thị trường BĐS đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính. Chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, am hiểu thị trường sâu sắc và khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp là điều không thể thiếu đối với bất kỳ chủ đầu tư nào để thành công trong ngắn hạn và dài hạn.
Ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, cũng như diễn biến trong năm 2021, thị trường BĐS 2022 nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A. Lý do quan trọng là các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện có những tập đoàn BĐS trong nước đang có được đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang rất “khát” đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành. M&A cũng giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Các doanh nghiệp hùng mạnh cũng tiết kiệm được thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tìm kiếm các khu đất có vị trí phù hợp trong bối cảnh giá BĐS có xu hướng tăng lên.
Nhiều thương vụ ‘bom tấn’ được kích nổ dịp đầu năm
Bước sang đầu năm 2022, dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid – 19, tuy nhiên diễn biến trên thị trường vẫn khá khả quan và tích cực. Các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc cũng nhận thấy, đây chính là thời điểm tốt nhất để mở rộng quỹ đất nhờ vào hoạt động mua bán và sáp nhập. Qua đó, nhiều thương vụ đã được diễn ra ngay trong quý I/2022. Dự báo một năm sẽ cực kỳ sôi động của hoạt động M&A.
Ông Angus Liew – Tổng Giám đốc Công ty Gamuda Land cho biết, năm 2021 doanh nghiệp này thông qua M&A để tìm kiếm các cơ hội mua lại nhiều dự án tại Việt Nam. Môi trường M&A của Việt Nam đang đầy hào hứng, tăng trưởng kinh tế tích cực nên hiện tại không chỉ Gamuda Land mà nhiều doanh nghiệp ngoại đều xác định đây là thị trường trọng điểm đầu tư, là thời điểm để nắm bắt cơ hội lớn. Điều này sẽ khiến hoạt động M&A tại Việt Nam có tính cạnh tranh cao và sẽ bùng nổ trong năm 2022.
Hay như Tập đoàn Novaland, một ‘ông lớn’ bất động sản vẫn luôn nổi danh với hàng loạt thương vụ M&A cũng đang đẩy mạnh hoạt động thâu tóm hàng trăm héc-ta đất tại nhiều địa phương. Doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tìm kiếm các quỹ đất ở Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Phan Thiết,… để phát triển các dự án khu đô thị và bất động sản du lịch.
Ở một diễn biến mới đây, Novaland đã chính thức trở thành nhà phát triển dự án Grand Sentosa tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Theo đó, dự án đã được tái khởi công vào ngày 22/2 mới đây.
Được biết, dự án Grand Sentosa có tên ban đầu là Kenton Residences với diện tích 9,1 ha và tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án gồm 3 phân khu: Plaza, Sky Villa và Residences với 9 tòa nhà và 1.640 căn hộ. Ban đầu, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên dự án đã không thể ‘về đích’ theo dự kiến.
Đến năm 2013, Công ty Tài Nguyên đã quyết định trả lại toàn bộ tiền mua nhà cho khách hàng và tìm hướng đi mới cho dự án. Đến tháng 5/2017 dự án lại được kỳ vọng với tên gọi mới Kenton Node cùng số vốn hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên dự án thêm một lần lỡ hẹn do chủ đầu tư khi đó gặp vấn đề về tài chính.
Sau hơn một thập kỷ ‘chùm màn’ dự án chính thức được khởi công trở lại với sự xuất hiện của Tập đoàn Novaland trên vai trò nhà phát triển dự án. Sự góp mặt của Novaland được giới đầu tư kỳ vọng dự án sẽ cung cấp ra thị trường một lượng sản phẩm căn hộ dồi dào trong tương lai.
Đồng hành với công ty Tài Nguyên Novaland sẽ đóng góp nguồn lực và kinh nghiệm dồi dào của mình để cùng xây dựng dự án trở thành một công trình biểu tượng tại vị trí cửa ngõ khu Nam Sài Gòn. Dự kiến dự án Grand Sentosa sẽ được vận hành theo đúng tiến độ vào năm 2024.
Ngoài Novaland, thời điểm tháng 1/2022, một ‘ông lớn’ khác là Masterise Homes cũng đã chính thức thông báo về việc sẽ tiếp tục phát triển dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An với tên gọi mới là The Global City tọa lạc tại trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Dự án có quy mô rộng 117 ha, nằm cạnh khu phức hợp Saigon Sports City và tiếp giáp với cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Dự án được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư trên khu đất có tổng diện tích 120 ha nằm trên địa bàn phường An Phú vào tháng 1/1999.
Đến đầu năm 2001, dự án có quyết định thu hồi, giao đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp). Lúc này, dự án có tên gọi là khu liên hợp sân golf, thể dục thể thao và nhà ở, có tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences.
Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tổng diện tích khu đất còn khoảng 117,4 ha theo Quyết định số 6296/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 30/11/2015.
Tháng 8/2021, dự án được đồn đoán sẽ về tay “ông lớn” Masterise khi SDI Corp thay đổi đăng ký kinh doanh và chuyển giao nhân sự nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Những ngày đầu năm 2022, Masterise Homes chính thức thông báo về một dự án mới mang tên The Global City. Theo thông tin của các đơn vị phân phối dự án, đây chính là tên thương mại mới của dự án Sài Gòn Bình An.
Sau khi về tay Masterise Homes, The Global City được kỳ vọng là một điểm nhấn về một khu đô thị hiện đại và quy hoạch bài bản của TP Hồ Chí Minh, trở thành một khu đô thị lõi có hấp lực mạnh mẽ ở khu Đông. Dự án được định hướng trở thành một thành phố toàn cầu, mang tính biểu tượng của khu vực Đông Nam Á với nhiều phân khu: chung cư, thấp tầng, villa, nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện, thương mại bán lẻ,…
Một thông tin đáng chú ý, đối tác thiết kế của dự án khu đô thị này là Foster and Partners – tập đoàn thiết kế, kỹ sư và kiến trúc lớn nhất Anh Quốc, do kiến trúc sư Norman Foster thành lập.
Với sự tham gia của Foster and Partners – đơn vị chuyên thiết kế các công trình và siêu dự án quy mô lớn trên khắp thế giới, The Global City dự kiến sẽ được quy hoạch bài bản trở thành một khu đô thị tích hợp cảnh quan hiện đại, ấn tượng; công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và thiết kế sang trọng đẳng cấp quốc tế.
Công ty CP Địa ốc Phú Long (thuộc Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo) cũng không ngồi ngoài khi nhiều nguồn tin cho rằng Phú Long đang trong quá trình thực hiện M&A dự án SwanBay Đại Phước. Hiện tại các bên đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng.
Theo tìm hiểu, dự án SwanBay Đại Phước nằm ở Cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2005, tuy nhiên dự án này đã có một thời gian dài bị đình trệ. Trước đây, chủ của dự áy là liên doanh Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) và Tập đoàn VinaCapital. Tuy nhiên, VinaCapital đã nhượng lại toàn bộ phần đất chưa triển khai và một số hạng mục dự án này cho CFLD vào năm 2017.
Sau khi về tay CFLD, khu đô thị Đại Phước Lotus đã được đổi tên thành SwanBay Đại Phước.
Mặc dù thương vụ chuyển nhượng cho Phú Long vẫn chưa được công bố chính thức, tuy nhiên theo thông tin đăng ký kinh doanh mới của Vina Đại Phước (chủ dự án SwanBay Đại Phước) 2 cổ đông nước ngoài nắm giữ đến 92% cổ phần là SNC Investments 27 và SNC Investments 28 (đều thuộc Tập đoàn bất động sản công nghiệp Trung Quốc China Fortune Land Development – CFLD) đã không còn nằm trong danh sách cổ đông của công ty.
Với việc CFLD không còn là cổ đông lớn của Vina Đại Phước chứng tỏ nhiều khả năng dự án SwanBay Đại Phước đã về tay chủ mới.
Được biết, Ngoài SwanBay Đại Phước, CFLD còn một dự án bất động sản khác nằm tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là Swan Park Nhơn Trạch với quy mô hơn 940 ha.