Thị trường nhà ở khó khăn, vợ chồng đã ly hôn nhưng vẫn phải sống chung vì không chịu được tiền nhà
Sống chung một nhà sau khi ly hôn là điều mà các cặp vợ chồng không hề mong muốn. Song nhiều cặp vợ chồng ở Mỹ đang phải lựa chọn cách này sau khi chia tay.
Việc chuyển khỏi căn nhà đã từng sống chung sau khi kết hôn tưởng chừng là điều bình thường với các cặp vợ chồng đã hoàn tất thủ tục ly dị. Tuy nhiên tại một số quốc gia có giá thành bất động sản đắt đỏ, họ vẫn chấp nhận sống chung dưới một mái nhà vì tiền mua bất động sản và các chi phí khác tăng cao.
Đơn cử như tại Mỹ, lãi suất vay ngân hàng mua nhà đã trên 7% và giá trung bình nhà đất tăng cao kỷ lục. Điều này dẫn đến nhiều cặp đôi không đủ khả năng rời khỏi ngôi nhà đang sống chung. Bên cạnh đó, việc thuê nhà không phải lúc nào cũng là một lựa chọn tốt vì giá tăng hơn 9% trong hai năm qua.
Vì vậy, họ đành chấp nhận sống chung và cố gắng tạo ra các ranh giới trong ngôi nhà. Ví dụ chồng ở tầng hai, vợ sống tầng một. Họ phân chia tủ đồ trong bếp, sắp xếp thời gian giặt giũ và để lại tin nhắn ở nơi cần thiết.
Trong các vụ tư vấn ly hôn gần đây tại Mỹ, các chuyên gia tư vấn đều sẽ đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng rằng mặc dù có chấm dứt quan hệ hôn nhân thì cũng đừng nên "đường ai nấy đi" nếu không muốn gặp rắc rối về kinh tế trong bối cảnh giá nhà ở tăng cao.
Theo tạp chí The Wall Street Journal, trong thời điểm thị trường bất động sản biến động mạnh, giá bị đẩy lên cao, một số cặp vợ chồng sau khi ly hôn vẫn buộc phải sống cùng nhau vì việc tìm một nơi khác để sinh sống đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tờ tạp chí viết: “Nhiều người không kể với đồng nghiệp vì việc sống chung là câu chuyện không tưởng hoặc họ cảm thấy quá xấu hổ. Họ cố gắng hành xử văn minh trước mặt con cái và chịu đựng cho đến khi đủ khả năng mua, thuê và trang bị nội thất cho hai căn nhà riêng”.
Lấy ví dụ về trường hợp của Danielle Tantone và chồng cũ của cô, Michael Tantone. Khi kết hôn, hai người đã mua căn nhà ở Mesa, một thành phố thuộc quận Maricopa, tiểu bang Arizona, vào tháng 7/2022 với khoản vay thế chấp bằng chính ngôi nhà đó là khoảng 600.000 USD, lãi suất 5,62%.
Cả hai đã lên kế hoạch thanh toán hết số tiền cho ngân hàng khi lãi suất thế chấp giảm, thế nhưng, họ ly hôn. Giờ đây, căn nhà họ đang ở đã giảm giá trị và cả hai đều không đủ khả năng chi trả. "Hiện tại nó có giá trị thấp hơn số tiền chúng tôi đã vay để mua, vì vậy chúng tôi buộc phải bán lỗ nó", cô Danielle nói với tạp chí The Wall Street Journal.
Hay như trường hợp của Marilyn Maycock, một phụ nữ cũng đã ly hôn, cho biết cô đã quyết định đứng ra thanh toán toàn bộ khoản vay thế chấp mua nhà mặc dù phải trả với lãi suất lên đến 6,45%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 3,5% trước đó để có thể sở hữu cả ngôi nhà mà trước đó 2 vợ chồng cô đã cùng nhau mua. Khó khăn trong việc tìm một ngôi nhà khác cũng đã trì hoãn một số cặp vợ chồng có ý định ly hôn.
Về mặt thị trường bất động sản, giá cả tăng cao kèm theo những biến động thất thường, có vẻ là một tin xấu. Tuy nhiên, với các cặp vợ chồng ly hôn, việc buộc phải sống chung lại là một điều tốt khi họ có thể cùng nhau chăm sóc con cái và có cơ hội để hàn gắn mối quan hệ hôn nhân của mình.
Theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ (NAR), doanh số bán nhà hiện hữu tháng 10/2023 vốn chiếm phần lớn thị trường nhà đất, đã giảm 4,1% so với tháng 9, đạt 3,79 triệu sản phẩm. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010. Doanh số tháng 10 cũng giảm 14,6% so cùng kỳ 2022 do lãi suất và giá đều cao.
Khả năng chi trả để mua nhà đã gần đạt mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đẩy nhiều ra khỏi thị trường. Theo các nhà kinh tế, doanh số bán nhà hiện hữu trong cả năm 2023 đang trên đà xuống mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2011.
Trung bình giá nhà hiện hữu trên toàn quốc đã tăng 3,4% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 391.800 USD. Đây là mức giá tháng 10 cao nhất các năm kể từ 1999. "Việc thiếu hàng tồn kho cùng với lãi suất thế chấp cao hơn đang thực sự cản trở việc mua nhà", Lawrence Yun, Kinh tế trưởng của NAR, cho biết.