Thị trường TPDN quý I/2025: Nhà đầu tư ưu tiên những sản phẩm an toàn, nhóm BĐS 'vắng bóng'

Theo S&I Ratings, toàn bộ giá trị phát hành quý I đến từ nhóm tài chính, trong đó ngân hàng chiếm tới 76,9% còn nhóm phi tài chính hoàn toàn vắng bóng. Điều này phản ánh xu hướng nhà đầu tư ưu tiên những sản phẩm an toàn hơn trong bối cảnh lãi suất có thể giảm trong các quý tới.

Quý I/2025 ghi nhận những chuyển biến tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhất là từ kênh phát hành ra công chúng.

Theo số liệu của S&I Ratings, trong 3 tháng đầu năm, đã có 13 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị đạt 25,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 11 đợt phát hành ra công chúng chiếm 23,1 nghìn tỷ đồng và 2 đợt phát hành riêng lẻ đạt 2.000 tỷ đồng, đánh dấu mức tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện gia hạn kỳ hạn trái phiếu trong quý IV/2024 và quý I/2025, với tổng giá trị gần 28 nghìn tỷ đồng, giúp duy trì dòng vốn và giảm nhu cầu phát hành mới. Tổng lượng TPDN lưu hành hiện nay vào khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 24 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2024, tương đương 11% GDP. Các lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng lưu hành, lần lượt chiếm 49,4% và 33,7%.

Toàn bộ giá trị phát hành quý I đến từ nhóm tài chính, vắng bóng nhóm bất động sản.
Toàn bộ giá trị phát hành quý I đến từ nhóm tài chính, vắng bóng nhóm bất động sản.

Đặc biệt, kênh phát hành ra công chúng tăng mạnh, đạt 77% tổng giá trị phát hành công chúng cả năm 2024 chỉ trong một quý, chiếm tới 92% tổng giá trị phát hành giai đoạn này. Sự dịch chuyển này phần lớn đến từ tác động của Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025 và Thông tư 76/2024/TT-BTC, vốn siết chặt điều kiện phát hành riêng lẻ, từ đó thúc đẩy minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Một điểm đáng chú ý khác là cơ cấu tổ chức phát hành khi toàn bộ giá trị phát hành quý I đến từ nhóm tài chính, trong đó ngân hàng chiếm tới 76,9%, trong khi nhóm phi tài chính hoàn toàn vắng bóng - trái ngược với cùng kỳ năm 2024 khi bất động sản chiếm đến 58,4%. Điều này phản ánh xu hướng nhà đầu tư ưu tiên những sản phẩm an toàn hơn, trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất giảm trong các quý tới.

Bước sang phần còn lại của năm 2025, các chuyên gia S&I Ratings cho rằng thị trường TPDN sẽ đối mặt với áp lực đáo hạn đáng kể.

Trong quý I, lượng trái phiếu đáo hạn chỉ ở mức khiêm tốn 17,2 nghìn tỷ đồng, tập trung ở các doanh nghiệp bất động sản (48%) và sản xuất (33%). Tuy nhiên, dự báo từ các chuyên gia S&I Ratings cho thấy giá trị đáo hạn sẽ tăng vọt, lên hơn 200 nghìn tỷ đồng trong ba quý tiếp theo, trong đó, quý II khoảng 33,6 nghìn tỷ, quý III đạt đỉnh 91,2 nghìn tỷ, và quý IV khoảng 77,6 nghìn tỷ đồng.

Thị trường TPDN quý I/2025: Nhà đầu tư ưu tiên những sản phẩm an toàn, nhóm BĐS 'vắng bóng' - Ảnh 1
Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán trong năm 2025.

Ngành bất động sản tiếp tục là tâm điểm, chiếm tới một nửa tổng lượng đáo hạn, riêng quý III đã lên tới 57,5 nghìn tỷ đồng. Một điều đáng lo ngại là trong quý I/2025 có khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chậm thanh toán, trong đó, bất động sản chiếm gần 49%.

Đồng thời, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp bất động sản cuối năm 2024 đã đạt mức cao nhất kể từ 2018, phản ánh áp lực tài chính đang gia tăng. Điều này dự báo nhu cầu phát hành mới có thể bùng nổ trong nửa cuối năm, nhằm phục vụ đáo hạn và cơ cấu nợ.

Về chính sách, Chính phủ đang xem xét siết điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ trong Luật Doanh nghiệp, giới hạn tỷ lệ nợ phải trả (kể cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, nhưng loại trừ các lĩnh vực đặc thù như doanh nghiệp nhà nước, dự án bất động sản, tổ chức tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán,... nhằm tránh chồng chéo pháp lý.

Các chuyên gia S&I Ratings kỳ vọng, các quy định pháp lý chặt chẽ hơn sẽ giúp củng cố khuôn khổ thị trường, gia tăng minh bạch và hỗ trợ sự phát triển bền vững.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance