Thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, KBC liên tục hút vốn qua phát hành trái phiếu

Từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) liên tục huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu giữa lúc "ôm" khoản nợ hơn 13.000 tỷ đồng và thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh.

Lợi nhuận khủng nhưng KBC vẫn thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh

Qúy 1/2021, doanh thu hợp nhất của KBC đạt gần 2.002 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm hơn 1.904 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Cùng với đó, biên lãi gộp tăng từ 44% lên hơn 56% đã giúp lợi nhuận gộp quý 1/2021 của KBC đạt hơn 1.123 tỷ đồng, gấp gần 5 lần quý 1/2021.

Quý 1/2021, doanh thu hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi đạt gần 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 16,5 tỷ đồng (gấp 2,5 lần cùng kỳ).

Trong kỳ, các loại chi phí tại KBC đều tăng. Chi phí tài chính tăng 95% lên mức 94 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 23%, lên mức 80 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng gấp gần 9 lần cùng kỳ, với gần 108 tỷ đồng.

Dù chi phí tăng nhưng lợi nhuận trước thuế tại KBC vẫn đạt hơn 882 tỷ đồng, tăng gấp 6,5 lần cùng kỳ; lãi sau thuế đạt hơn 714 tỷ đồng, gấp 7,6 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt hơn 599 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần cùng kỳ năm 2020.

Thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, KBC liên tục hút vốn qua phát hành trái phiếu - Ảnh 1
Thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, KBC liên tục hút vốn qua phát hành trái phiếu - Ảnh 2
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2021 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021).

Tuy lợi nhuận tại KBC tăng mạnh trong quý 1/2021 nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại thiếu hụt trầm trọng.

Cụ thể, tính đến 31/3/2021, tổng tài sản của KBC ghi nhận hơn 25.279 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 30%, lên mức 8.643 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền tại KBC cũng giảm 39% so với đầu năm, xuống còn hơn 643 tỷ đồng. Nợ phải trả tại KBC cũng tăng 6% lên gần 13.912 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn tăng 11% lên hơn 7.733 tỷ đồng.

Điều này góp phần khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của KBC âm tới hơn 235 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2021. Trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 136 tỷ đồng.

Thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, KBC liên tục hút vốn qua phát hành trái phiếu - Ảnh 3
Lợi nhuận khủng nhưng KBC vẫn thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh.  (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021).  

Ngoài dòng tiền hoạt động kinh doanh thiếu hụt, dòng tiền từ hoạt động đầu tư tại KBC cũng âm hơn 355 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 đạt 19 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 406 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 đạt gần 33 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, tính đến cuối tháng 3/2021, hệ số khả năng thanh toán nợ tức thời tại KBC ở mức 0,08 lần. Điều này cho thấy, KBC có thể khó đảm bảo khả năng thanh toán tức thời trong khoảng thời gian 3 tháng.

Thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, KBC liên tục hút vốn qua phát hành trái phiếu - Ảnh 4
Vay nợ tài chính tại KBC tính đến 31/3/2021.(Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021).  

"Ôm" khoản nợ hơn 13.000 tỷ đồng, KBC vẫn hút vốn qua kênh trái phiếu

Ngay từ đầu năm 2021, KBC đã phát hành thành công 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp với kỳ hạn 24 tháng với lãi suất cố định 10,5%/năm.

Tài sản đảm bảo là các tài sản thuộc quyền sở hữu của KBC và/hoặc các bên khác phù hợp với quy định pháp luật. Đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký, đại lý quản lý tài sản đảm bảo ban đầu là ABS hoặc tổ chức khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại lý thanh toán ban đầu là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Chương Dương.

Mục đích sử dụng vốn là cho các công ty con vay để phục vụ mục đích tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các dự án công ty con đang triển khai.

Cụ thể, giải ngân 200 tỷ đồng cho CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (quản lý Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng) và 200 tỷ đồng cho CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (quản lý Khu công nghiệp Quang Châu).

Tiếp đến tháng 3/2021, KBC dự kiến phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định là 10,8%/năm. Doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện trong quý 2/2021, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán.

Trong số tiền dự kiến huy động được là 1.500 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ dùng 600 tỷ đồng cho vay CTCP CN Sài Gòn – Hải Phòng (Kinh Bắc sở hữu 86,54% tỷ lệ biểu quyết); 500 tỷ đồng cho vay CTCP KCN Sài Gòn – Bắc Giang (Kinh Bắc sở hữu 92,5% tỷ lệ biểu quyết); và 400 tỷ đồng cho vay CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn – Tây Bắc (Kinh Bắc sở hữu 74,3% tỷ lệ biểu quyết).

Như vậy, Kinh Bắc dự kiến huy động vốn thông qua trái phiếu để cho công ty con vay vốn.

Mới đây nhất, HĐQT KBC đã có Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu với mục tiêu huy động được tối đa 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự kiến trong quý 2/2021, KBC sẽ phát hành tối đa 20 triệu trái phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá phát hành sẽ được quyết định bởi các cấp có thẩm quyền nhưng sẽ không thấp hơn 100,000 đồng/trái phiếu.

Trái phiếu phát hành sẽ có kỳ hạn 24 tháng với lãi suất cố định 10.5%/năm và trái chủ sẽ được thanh toán lãi vào mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng.

Thiếu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, KBC liên tục hút vốn qua phát hành trái phiếu - Ảnh 5
Chi tiết trái phiếu đã phát hành của KBC tại ngày 31/03/2021. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021)

Trước đó, vào ngày 11/05, HĐQT KBC cũng đã thông qua việc vay tín chấp hơn 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối đa 2 năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho công ty con là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu?

Theo tính toán, lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp phát hành sơ cấp hiện dao động từ 10,1 - 11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm, dao động ở mức 4 - 5%/năm tại các ngân hàng và đà giảm có khả năng vẫn còn tiếp diễn.

Theo các chuyên gia, lãi suất TPDN đang ở mức khá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay. Các chuyên gia phân tích, khả năng doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh để có thể trả lãi cao cho nhà đầu tư như hiện nay là rất khó.

Chưa kể nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, khả năng không trả được nợ gốc, chứ chưa nói tới lãi trái phiếu sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư và bất ổn cho thị trường. Như vậy, rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu là rất có thể xảy ra.

Bộ Tài chính cũng từng cảnh báo các nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ