Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: "Điều hành tỷ giá phải đứng trên góc độ toàn nền kinh tế"

Đề cập vấn đề tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá phải đứng trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế chứ không phải trên góc độ ổn định của một doanh nghiệp nào.

Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề kinh tế chung, các doanh nghiệp đều gặp những khó khăn trong vấn đề giải quyết dòng tiền, tín dụng.

Để giải quyết vấn đề này, giai đoạn 2019 - 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và chính sách này tiếp tục được thực hiện trong năm 2023 với việc ban hành Thông tư số 02.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: "Điều hành tỷ giá phải đứng trên góc độ toàn nền kinh tế" - Ảnh 1
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV)

Về cấp tín dụng, Thống đốc cho biết NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng toàn hệ thống ở mức 14%, xoá đi trở ngại về hạn mức tín dụng. Còn về việc cấp tín dụng cho từng doanh nghiệp, Thống đốc nhấn mạnh, đây là quyền của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc cũng khẳng định NHNN không quy định chi tiết về điều kiện vay của doanh nghiệp, chỉ quy định về khả năng trả nợ. "Bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải kiểm tra, thẩm định và yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh có khả năng. Cái này cũng thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng. NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét, rà soát các thủ tục", Thống đốc cho biết.

Đối với các kiến nghị về cung ứng và các chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, Thống đốc cho hay, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành khác trình Chính phủ ban hành Nghị định về tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, trong đó có rất nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn, tài sản đảm bảo… Bên cạnh đó, NHNN cũng áp dụng các công cụ khác như công cụ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất trần đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.

Đến nay, dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn của toàn hệ thống đạt khoảng 3 triệu tỷ đồng trên quy mô 12 triệu tỷ đồng của cả hệ thống. Con số này chứng minh rằng, tín dụng đối với lĩnh vực này đang được Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm.

Đáng chú ý, đối với vấn đề tỷ giá, Thống đốc nhấn mạnh việc điều hành phải đứng trên cục diện của toàn nền kinh tế. Nền kinh tế có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, diễn biến tỷ giá nếu có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thì sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu và ngược lại.

Hiện nay, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hàng hóa, máy móc và nguyên vật liệu của nước ngoài, do vậy nếu tỷ giá tăng lên thì các doanh nghiệp trong nước sẽ rất vất vả. Tuy nhiên, về phía các nhà đầu tư nước ngoài, việc tỷ giá tăng nhanh cũng khiến các đơn vị này không yên tâm, bởi nếu hoạt động tại Việt Nam có lãi, khi đổi ra ngoại tệ để chuyển về nước thì sẽ "thấy được vấn đề".

"Chính vì vậy, ổn định tỷ giá, không có nghĩa là cố định nhưng cũng phải phù hợp. NHNN cũng phải cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế chứ không phải trên góc độ ổn định của một doanh nghiệp nào cả", Thống đốc cho hay./.

Yến Thanh

Theo Kinh doanh và Phát triển