Thông tin cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên giao dịch ngày 25/6
Giá dầu Brent tương lai tăng 38 cent, tương đương 0,5%, lên 75,19 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 76,02 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm 30 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD) bằng hợp đồng mua lại đảo chiều 7 ngày, vượt xa mức giảm 10 tỷ nhân dân tệ giảm tính đến ngày 24/6.
Tồn kho tại Mỹ giảm sâu, giá dầu lần đầu vượt 76 USD/thùng kể từ năm 2018
Giá dầu Brent tương lai tăng 38 cent, tương đương 0,5%, lên 75,19 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 76,02 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu WTI tương lai tăng 23 cent, tương đương 0,3%, lên 73,08 USD/thùng, cũng cao nhất kể từ tháng 10/2018. Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/6 giảm 7,6 triệu thùng xuống 459,1 triệu thùng, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), vượt xa dự báo giảm 3,9 triệu thùng từ giới phân tích.
Tồn kho tại Cushing, Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI, giảm 1,8 triệu thùng xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Lực cầu xăng cũng tăng. Giá dầu Brent đã tăng hơn 45% trong năm nay, chủ yếu nhờ chính sách cắt giảm sản lượng kỷ lục của OPEC và đồng minh, tức OPEC+, và các hạn chế xã hội ứng phó Covid-19 được nới lỏng. Một số lãnh đạo trong ngành còn tin giá dầu về 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Trung Quốc bơm thêm gần 5 tỷ USD vào hệ thống tài chính
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm 30 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD) bằng hợp đồng mua lại đảo chiều 7 ngày, vượt xa mức giảm 10 tỷ nhân dân tệ giảm tính đến ngày 24/6. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng lên cao nhất kể từ tháng 2 do các ngân hàng tìm thêm nguồn vốn để mua trái phiếu và tích trữ tiền mặt chuẩn bị cho đợt kiểm tra theo quy định vào cuối quý. Dù chủ yếu nhằm ứng phó tình trạng thắt chặt tạm thời, đây vẫn là thay đổi đáng kể của POBC trong quản lý thanh khoản.
Trước ngày 24/6, PBOC chỉ hành động tối thiểu để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn của nhà đầu tư. PBOC còn từng không muốn bơm tiền chủ yếu do chi phí tài trợ thấp, phần nào vì lo ngại nguy cơ gia tăng đòn bẩy nợ. “Việc này nhằm trấn an các lo ngại về thanh khoản khi quý II sắp kết thúc, trong khi lượng bơm ròng là rất nhỏ”, Hao Zhou, kinh tế gia cấp cao về các thị trường mới nổi tại Commerzbank AG, Singapore, nhận định. “PBOC cho thấy cam kết của họ trong duy trì thanh khoản ổn định”.
SSB: Được chấp thuận tăng vốn thêm gần 2.700 tỷ đồng
SeABank (HoSE: SSB) thông báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.697 tỷ đồng, qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận để lại năm 2020 sau khi trích lập các quỹ, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, và phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên đã được đại hội cổ đông 2021 của ngân hàng thông qua. Vốn điều lệ của ngân hàng sẽ nâng lên tối đa gần 14.785 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường niên 2021, cổ đông chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ qua 3 đợt phát hành gồm trả cổ tức bằng cổ phiếu với số lượng 110,2 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 9,12%, chào bán 136 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 11,25% cho cổ đông hiện hữu và phát hành 23,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cán bộ nhân viên của SeABank năm 2021 (ESOP). HĐQT đã quyết định giá phát hành cổ phiếu ESOP tùy thuộc vào phân loại nhóm đối tượng. Đối với cán bộ nhân viên từ nhóm 1A đến nhóm 4, giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, đối với nhóm 5 đến nhóm 10 là 16.800 đồng/cổ phiếu.
CTG: Chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu
HĐQT VietinBank (HoSE: CTG) thông qua 8/7 là ngày đăng ký cuối cùng với cổ đông nhằm phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thông báo nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của ngân hàng. Phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của ngân hàng được thực hiện theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho VietinBank tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng theo phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017-2018, tỷ lệ hơn 29%. Trước đó, HĐQT ngân hàng đã thông qua việc triển khai phương án trên. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV.
PPC: Chốt quyền chia cổ tức tiền mặt đợt 4/2020 tỷ lệ 12,5%
Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) thông báo ngày 16/7 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức lần 4/2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 12,5%, 1 cổ phiếu được nhận 1.250 đồng. Ngày thanh toán là 4/8. Với 321 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty nhiệt điện dự kiến chi hơn 400 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Công ty mẹ EVN Genco2 (UPCoM: GE2) sẽ nhận về 208 tỷ đồng và cổ đông lớn Năng lượng REE – công ty con của REE Corporation (HoSE: REE) nhận về hơn 96 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm 2% về 7.929 tỷ đồng do sản lượng điện được giao chỉ bằng 75% theo phương án giá điện và thủy điện được huy động nhiều hơn. Lãi sau thuế giảm 21% xuống 1.011 tỷ đồng. Dù vậy, ban lãnh đạo PPC vẫn quyết định chia cổ tức kỷ lục tỷ lệ 58,94%, tương đương giá trị thanh toán gần 1.890 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp đã tạm ứng 3 đợt cổ tức 2020 tổng tỷ lệ 33,94%, giá trị đã chia 1.089 tỷ đồng. Như vậy, sau khi thanh toán xong cổ tức đợt 4 thì doanh nghiệp vẫn còn chia thêm 1.250 đồng mỗi cổ phiếu nữa.
NVL: Phát hành gần 6 triệu cổ phiếu cho HSBC để chuyển đổi trái phiếu với giá 44.000 đồng/cổ phiếu
CTCP Tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vừa thông báo đã hoàn tất phát hành thêm 5,9 triệu cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu 57,5 trái phiếu cho trái chủ là HSBC. Tỷ lệ chuyển đổi 103.513,64 cổ phiếu/trái phiếu. Giá chuyển đổi được xác định là 44.000 đồng/cổ phiếu. Giá chuyển đổi này đã được trình tương ứng với mức giảm của cổ phiếu theo Điều khoản chuyển đổi. Novaland cho biết mức giá chuyển đổi được reset (xác định lại) 1 năm 1 lần vào reset date (27/10). Năm 2018, Novaland đã phát hành 1.200 trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá là 200.000 USD/trái phiếu, lãi suất 5,5%/năm. Số trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 27/4/2023.
AAV trả cổ tức tỷ lệ 15%, chào bán riêng lẻ cổ phiếu để nâng vốn lên gấp đôi
CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc (HNX: AAV) vừa thông báo thay đổi ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% từ ngày 2/7 sang 9/7. Với hơn 31,8 triệu đơn vị đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm gần 4,8 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Trong quý III và IV năm nay, Việt Tiên Sơn Địa ốc cũng dự kiến chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu, tương đương 82% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Doanh nghiệp kỳ vọng thu về 366 tỷ đồng, qua đó giá chào bán là 12.200 đồng/cổ phiếu. Trên thị trường, giá cổ phiếu AAV đang dao động quanh vùng giá 15.800 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán riêng lẻ sẽ được nâng lên 666,5 tỷ đồng.