Thu hẹp đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư đến thời 'bùng nổ'
Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch VSDC cho rằng, trong tương lai, việc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư sẽ trở thành xu thế. Việt Nam đang hướng tới tạo lập các định chế chuyên nghiệp có tổ chức, thu hẹp nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm.
Quỹ đầu tư nhắm mốc 10% GDP
Ngành quản lý quỹ tại Việt Nam đang ghi nhận những bước tiến mới trên chặng đầu của hành trình phát triển, không chỉ về quy mô mà còn về hiệu quả đầu tư. Với sự gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng tài khoản, giá trị tài sản ròng và các sản phẩm đầu tư đa dạng, lĩnh vực này tiếp tục khẳng định vai trò là kênh huy động vốn dài hạn đầy tiềm năng cho nền kinh tế.
Tính đến hết tháng 9/2024, tổng số tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở đã đạt 1.620.336 tài khoản, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ mở tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 45.643 tỷ đồng, tăng 88% so với thời điểm cách đây một năm.
Trong đó, các quỹ mở có giá trị NAV lớn nhất gồm TCBF của CTCP Quản lý Quỹ Kỹ Thương (hơn 10.000 tỷ đồng), VFMVSF của Dragon Capital (hơn 5.800 tỷ đồng) và VLGF của SSI (hơn 4.000 tỷ đồng).
Không chỉ dừng lại ở sự gia tăng về số lượng tài khoản và giá trị NAV, hiệu quả đầu tư của các quỹ mở trong năm 2024 cũng rất tích cực. Đến hết quý III/2024, gần 20 quỹ cổ phiếu ghi nhận lợi nhuận vượt mức tăng trưởng 13,98% của VN-Index, trong đó nhiều quỹ đạt mức tăng trưởng trên 20%, tiêu biểu là VCBF-BCF (28,89%), VCBF-TBF (21,87%) và DCDS của Dragon Capital (23,56%).
Triển vọng ngành quản lý quỹ trong năm 2024 không chỉ gói gọn ở sự tăng trưởng về số lượng và hiệu quả đầu tư, mà còn nhắm đến những mục tiêu mang tầm vóc chiến lược. Theo các chuyên gia, ngành quản lý quỹ đang được định hướng để trở thành một kênh tài chính quan trọng, bằng 10% GDP của Việt Nam trong giai đoạn tới. Điều này không chỉ đòi hỏi sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô tài sản quản lý mà còn cần sự đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện hiệu quả quản lý.
Ở phía cơ quan quản lý, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, trong năm 2025, VSDC đặt mục tiêu nâng cấp toàn diện hệ thống quỹ mở, hướng đến xử lý nhanh chóng hơn, giảm thiểu lỗi vận hành và tích hợp nhiều tiện ích tự động, qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động cho cả VSDC và các thành viên.
Đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, đang tiếp tục rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi và có những gợi mở hơn cho ngành quỹ phát triển theo chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Bên cạnh đó, để phát triển ngành quỹ thì công tác đào tạo nhà đầu tư rất quan trọng để nhà đầu tư hiểu và thực hiện đúng quy định. Điều này cần sự phối hợp từ cơ quan quản lý và các thành viên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) nhận định, với sự nỗ lực của các công ty quản lý quỹ, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự hỗ trợ của Chính phủ và nhận thức của nhà đầu tư, thị trường quản lý quỹ sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong GDP, không đáng kể khi so sánh với các quốc gia như Ấn Độ (16% GDP), Trung Quốc (18%), Thái Lan (30%) hay các nước phát triển như Mỹ, nơi quỹ mở chiếm đến 124% GDP. Điều này cho thấy ngành quỹ tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.
Mở rộng sự tham gia của NĐT tổ chức
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBCKNN, hiện nay, giá trị nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tại thị trường Việt Nam ước khoảng từ 46 - 49 tỷ USD, chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn hoá thị trường, tỷ lệ này đang giảm so với mức 20% của năm 2019, điều này cho thấy độ mở của thị trường đang có xu hướng thu hẹp lại.
Trong khi đó, một trong những mục tiêu quan trọng trong việc phát triển thị trường chứng khoán là cơ cấu lại nhà đầu tư trên thị trường theo hướng phát triển nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư,… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho thị trường.
Giải pháp trước mắt được ông Bùi Hoàng Hải đề cập là tăng sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ ETF. Điều này cho thấy nhu cầu để phát triển ngành quỹ là rất lớn và rất cấp bách trong giai đoạn tới.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, việc đầu tư thông qua các quỹ được giới chuyên gia khuyến khích nhiều hơn việc tự giao dịch, bởi như bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDIRECT từng cho biết, đến 90% giao dịch trên thị trường là lỗ.
“Giao dịch chứng khoán không khuyến khích nhiều đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, đây là cuộc chơi của những người thật sự có thời gian, hiểu biết và tùy điều kiện của thị trường, và biết được bản lĩnh rủi ro của mình để tham gia”, bà Hương cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, đầu tư vào chứng chỉ quỹ là lựa chọn hoàn hảo cho những nhà đầu tư không chuyên, không có kiến thức, kinh nghiệm, thời gian, thông tin để tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn khoản đầu tư. Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ sở hữu đội ngũ chuyên gia phân tích tài chính và đầu tư dày dặn kinh nghiệm, luôn nắm bắt nhanh nhạy tình hình doanh nghiệp và các biến động kinh tế vĩ mô, có thông tin, mạng lưới cơ sở dữ liệu để tổng hợp, đánh giá và ra quyết định.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSDC cũng cho biết: “Chúng ta đang hướng tới tạo lập ra các định chế chuyên nghiệp có tổ chức, thu hẹp nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm, phân tán và sẽ giảm được giảm rủi ro… để tăng hiệu quả đầu tư bởi trong tương lai, việc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư sẽ trở thành xu thế. Trên hết, chúng ta phải tập trung phát triển ngành dịch vụ quỹ và quản lý tài sản, hướng tới việc nâng số lượng, tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức cũng như tỷ trọng nắm giữ tài sản trên vốn hoá thị trường cổ phiếu của các định chế tài chính chuyên nghiệp”.