Thừa Thiên Huế: 980 tỷ nâng cấp QL49 thành tuyến vận tải liên vận quốc tế

Sau khi hoàn thành, QL49 sẽ trở thành tuyến vận tải liên vận quốc tế, phát huy vai trò, hiệu quả kinh tế của các cặp cửa khẩu đã được đầu tư, đặc biệt là trung chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Lào về các cảng biển Thừa Thiên Huế (Thuận An, Chân Mây) và Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo QL49, đoạn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước đó, xuất phát từ điều kiện, nhu cầu thực tế địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, để thực hiện Dự án.

Thừa Thiên Huế: 980 tỷ nâng cấp QL49 thành tuyến vận tải liên vận quốc tế - Ảnh 1

Theo kiến nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trước mắt cần tập trung ưu tiên đầu tư mở rộng các đoạn Km18+00 - Km37+00 (Bình Điền, thị xã Hương Trà); đoạn Km74+00 - Km78+00 và mở rộng một số điểm xung yếu kết nối đến cửa khẩu với nước bạn Lào (Hồng Vân - Thừa Thiên Huế/Koutai - Salavan), với kinh phí dự kiến khoảng 980 tỷ đồng, nhằm giúp các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa lưu thông thuận lợi, an toàn.

Sau khi hoàn thành, QL49 sẽ trở thành tuyến vận tải liên vận quốc tế, phát huy vai trò, hiệu quả kinh tế của các cặp cửa khẩu đã được đầu tư, đặc biệt là trung chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Lào về các cảng biển Thừa Thiên Huế (Thuận An, Chân Mây) và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; góp phần giảm tải cho các tuyến hiện tại từ La Lay/Lao Bảo - QL1 - Cảng Thuận An/Chân Mây.

Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc nâng cấp QL49 sẽ phát huy hiệu quả đầu tư do đây là tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây hướng ra biển Đông qua Cảng Chân Mây ngắn nhất (so với cửa khẩu La Lay ngắn hơn 52 km: cửa khẩu La Lay - QL15D - Cảng Chân Mây là 168 km/La Lay - QL49 - Cảng Chân Mây là 116 km).

Hiện, đoạn Km63+400 - Km74+00 đã được đầu tư xây dựng đạt đường cấp IV miền núi; các đoạn còn lại được sửa chữa bằng nguồn vốn bảo trì, tuy nhiên do nguồn bảo trì có hạn nên chỉ đáp ứng duy trì giao thông tạm thời. Với tốc độ gia tăng phương tiện, tuyến đường xuống cấp, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Viên Hữu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam