Thực hư chuyện đấu giá đất vùng ven Hà Nội đang “sôi động” trở lại
Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện nhiều thông tin rằng đấu giá đất vùng ven Hà Nội trong năm 2024 đang sôi động trở lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải khu vực nào các cuộc đấu giá đất cũng diễn ra “suôn sẻ”.
Sôi động tại nhiều nơi
Khác với cảnh đấu giá đất năm 2023 ế ẩm, nhiều phiên mở bán hồ sơ không có người tham gia hoặc số người tham gia không đủ điều kiện để mở phiên đấu giá dẫn tới nhiều huyện không đạt chỉ tiêu về thu tiền từ đấu giá đất, từ đầu năm tới nay, dù chưa có đột biến lớn về giá, song các phiên đấu giá đất từ các huyện cận đô (Đông Anh, Hoài Đức...) đến vùng xa (Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên…) đều sôi động trở lại, thu hút đông đảo người dân quan tâm.
Đây là tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản ven đô dần tăng trưởng...
Thực tế, từ đầu năm 2024 đến nay, các huyện ngoại thành Hà Nội tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở và thu được số tiền lớn cho ngân sách. Lấy đơn cử UBND huyện Quốc Oai thu 153 tỷ đồng, vượt gần 27 tỷ đồng so với giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 34 thửa đất. UBND huyện Mê Linh tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 30 thửa đất tại điểm X2, tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh và khu Quán Chợ thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc thu về ngân sách hơn 130 tỷ đồng, cao hơn 60 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.
Ðại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, năm 2024, huyện dự kiến đưa ra đấu giá khoảng 500 thửa đất trên địa bàn các xã, thị trấn để bổ sung nguồn vốn phục vụ các dự án nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng xã lên phường, huyện thành quận. Các thửa đất chuẩn bị đấu giá được đầu tư hạ tầng đồng bộ, nằm ở các vị trí đẹp để “đón đầu” dự án đường Vành đai 4.
UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Phúc Thọ đã tổ chức thành công các phiên đấu giá đất ở khu Cổng Chợ (xã Tích Giang), Đồng Đuồi (xã Sen Phương), Đồng Tre Lỗ Gió (xã Võng Xuyên), khu Đồng Cầu Lọc (xã Ngọc Tảo), khu X1 thôn Lục Xuân (xã Võng Xuyên).
Thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho thấy, tổng diện tích đã thực hiện đấu giá thành công từ đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Phúc Thọ là 19.549,17m2, tổng số tiền trúng đấu giá trong 9 phiên vừa qua là 379,384 tỉ đồng.
Không chỉ ở những huyện ven đô, từ đầu năm đến nay các huyện xa trung tâm như Phú Xuyên, Ba Vì… cũng tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá đất. Theo đại diện UBND huyện Ba Vì, năm 2023, tổng số tiền thu được từ đấu giá trên địa bàn huyện gần 285 tỷ đồng, tương đương 177% so với kế hoạch, đã góp phần quan trọng bổ sung ngân sách để các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cũng góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về đất ở cho người dân, giải quyết nhiều tồn tại trong việc xét, cấp đất giãn dân trước kia. Năm 2024, huyện Ba Vì dự kiến tổ chức đấu giá tại chín dự án đấu giá, với số tiền thu về khoảng 1.170 tỷ đồng. Ðây sẽ là nguồn lực quan trọng để huyện và các xã triển khai các dự án đầu tư.
Bộ Xây dựng nhận định, nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới mang đến tác động tích cực cho thị trường. Còn theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 và dự báo quý II/2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhiều khu vực có lượng giao dịch đất nền tăng đột biến, nhất là những lô đất đã tách thửa. Ngày càng nhiều nhà đầu tư đi “săn” đất ở khu vực vùng ven các thành phố lớn.
Mức giá giao dịch thành công so với quý IV/2023 tăng khoảng 5%, trong đó riêng thị trường ven Hà Nội và gắn liền khu công nghiệp có mức tăng từ 10 đến 20%. Tuy nhiên, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cảnh báo người dân cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn “sốt ảo”, gây nguy cơ mất an toàn khi thị trường mới bước vào quá trình hồi phục.
Vẫn còn những phiên đấu giá “ế ẩm”
Mặc dù những tín hiệu sôi động từ các cuộc đấu giá đất khu vực ven Hà Nội thời gian qua là không thể phủ nhận. Song, đi cùng với đó vẫn xuất hiện đâu đó các phiên đấu giá đất “ế khách”.
Cụ thể như Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 6 thửa thuộc khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp.
Các thửa đất có diện tích từ hơn 77 đến khoảng 153 m2. Trong đó, lô 77,2 m2 và 88,3 m2 có giá khởi điểm cao nhất - từ 75,4 triệu đồng một m2, tương đương từ 5,8 tỷ và 6,6 tỷ mỗi lô. 4 lô còn lại diện tích hơn 100 m2 có đơn giá khởi điểm thấp hơn từ 66,7 triệu đồng mỗi m2.
Tuy nhiên, buổi đấu giá chỉ có 3 khách hàng đăng ký tham gia. Trong đó, một người trúng lô đất với giá 66,9 triệu đồng một m2. Như vậy, huyện Phúc Thọ còn 5 thửa đất chưa bán thành công.
Việc này trái ngược với cảnh nhà đầu tư đổ xô đến tham gia các phiên đấu giá đất ở các huyện ven thủ đô thời gian qua. Cuối tháng trước, tại buổi đấu giá 34 lô đất ở huyện Quốc Oai, có 150 khách hàng, đăng ký 242 hồ sơ tham gia, tương đương tỷ lệ quan tâm gấp khoảng 7 số lượng thửa đất được bán. Nhờ vậy, toàn bộ 34 lô đất đã được bán thành công. Trong đó, lô trúng đấu giá cao nhất với 74,1 triệu đồng một m2, tăng 21 triệu so với giá khởi điểm. Lô đất này nằm tại thửa A8, dự án đấu giá số 8 thôn Khánh Tân, xã Sài Sơn.
Trước đó, 33 thửa đất tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh cũng đều được đấu giá thành công, trong đó có lô cao gấp đôi giá khởi điểm với hơn 60 triệu đồng một m2. Hay cuối tháng 3, huyện Mê Minh cũng đấu giá thành công 30 lô đất, trong đó, có lô đạt hơn 50 triệu đồng một m2, cao gần gấp đôi giá khởi điểm.