'Tiến độ hoàn thành vành đai 3 TP. HCM phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo'

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright, đến cuối năm 2025, đầu năm 2026, có thể nhìn thấy kết quả của dự án vành đai 3 TP. HCM. Nếu không làm được thì không còn lý do nào ngoài năng lực lãnh đạo. Từ câu chuyện làm đường vành đai ở Trung Quốc, Hàn Quốc, chúng ta thấy rằng cần đặt áp lực và trách nhiệm lên người lãnh đạo.

Vành đai 3 TP. HCM
Vành đai 3 TP. HCM

Làm đường vành đai 3 phải làm luôn đường cao tốc

TS Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận tất cả các dự án giao thông trọng điểm ở vùng Đông Nam Bộ như đường vành đai, các cao tốc, kể cả đường trên cao nội đô TP. HCM, hệ thống metro, sân bay hay cảng biển… dù chi phí đầu tư cao nhưng lợi ích kinh tế rất lớn khoảng 16-28%.

“Thách thức của dự án vành đai 3 nằm ở thực thi. Những bài học quá khứ cho thấy cả 3 đường vành đai chưa thể hoàn chỉnh”, ông Thành nêu tại hội thảo thúc đẩy dự án vành đai 3.

Nhìn vào các đô thị lớn ở các nước Đông Nam Á, hay xa hơn Đông Bắc Á, Nam Á đều có những nỗ lực hoàn thành. Dẫn chứng từ Trung Quốc, ông Thành cho biết trong 10 năm có 3 đường vành đai 4, 5 và 6 được đầu tư và đưa vào khai thác. Thậm chí, trước năm 2018, Trung Quốc còn đưa vào vành đai 7 gần 1.000km, trở thành đường vành đai kỷ lục, chưa nước nào có.

Theo ông Thành, đến thời điểm hiện tại, đường vành đai 3 có rất nhiều thuận lợi như về chuẩn bị nguồn vốn, cơ chế chính sách đặc thù, năng lực doanh nghiệp không thua kém.

Ông cho rằng thách thức thực thi tại thời điểm này là vai trò của người lãnh đạo. Áp lực của xã hội, doanh nghiệp đặt lên từng nhà lãnh đạo của 4 tỉnh trong thực thi.

Ông Thành nhìn nhận đến cuối năm 2025, đầu năm 2026, có thể nhìn thấy kết quả của dự án vành đai 3. Nếu không làm được thì không còn lý do nào ngoài năng lực lãnh đạo. Do đó, cần đặt áp lực và trách nhiệm lên người lãnh đạo. Câu chuyện làm đường vành đai ở Trung Quốc, Hàn Quốc, cũng đặt lên người lãnh đạo.

Ngoài ra, ông Thành nhấn mạnh khi làm vành đai 3 không chỉ tập trung vào đường vành đai mà còn phải đồng thời quy hoạch, làm các tuyến đường cao tốc vành đai và cao tốc xuyên tâm kết nối với đường vành đai 3. Nếu làm đường vành đai mà không kết nối được với các đường cao tốc vành đai thì hiệu quả sẽ rất thấp; nếu không kết nối được cả cao tốc vành đai và cao tốc xuyên tâm thì lợi ích còn suy giảm mạnh hơn.

Hơn nữa, vị tiến sĩ cũng cho rằng làm đường vành đai 3 phải gắn với phát triển đô thị. Một tuyến đường cơ sở hạ tầng phải hài hòa được nhiều lợi ích, ưu tiên lợi ích giao thông, sau đó mới đặt lên lợi ích bất động sản.

“Kinh nghiệm thành công ở thành phố Ahmedabad, Ấn Độ có thể kể như trong năm 2018, họ bắt đầu đầu tư đường vành đai Sardar Patel Ring chiều dài 78km, cách khu trung tâm 20km, rất giống đường vành đai 3. Họ làm đường nhưng đồng thời triển khai ngay công tác thu hồi đất để tạo quỹ đất mới.

Cùng với thu hồi đất, họ mạnh tay quy hoạch lại theo từng khu với diện tích lớn và đấu giá, giao đất với diện tích lớn cho nhà đầu tư chứ không phân nhỏ ra từng khu nhỏ để gắn quyền lợi trách nhiệm của nhà đầu tư với từng khu. Kiểu hình thức phát triển này khắc phục được sự phát triển khu đô thị kiểu tự phát”, ông Thành cho hay.

Bài học kinh nghiệm cuối cùng, TS Nguyễn Xuân Thanh nêu là với những cơ chế xin được riêng cho vành đai 3, các tỉnh có thể xin áp dụng cho các cơ sở hạ tầng giao thông mang tính kết nối với vành đai 3. “Như vậy, ý tưởng của chúng ta là làm cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong quá trình triển khai những cơ chế nào đúng, phát huy tác dụng sẽ được chính thức hóa để áp dụng tất cả cơ sở hạ tầng trong vùng và cho cả nước”, vị tiến sĩ nói.

Cần bảo vệ những người dám làm

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng đối với dự án vành đai 3, quan trọng "nhạc trưởng" phải là vai trò của TP. HCM. Tiếp theo đó, phải có sơ đồ tiến độ, bởi nếu như chỉ có báo cáo thì đến khi vào thực tế rất có thể sẽ không khớp với báo cáo. TP. HCM phải là đầu mối thúc đẩy và phải hoàn thành theo đúng tiến độ đã lập ra. 

Bên cạnh đó, về thể chế, cần sự quyết đoán rất lớn của địa phương. Khi triển khai cụ thể sẽ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nếu không quyết đoán sẽ không thể làm nhanh và làm đúng tiến độ được.

Cuối cùng, ông cho rằng cần áp dụng Kết luận số 8 của Bộ Chính trị về việc bảo vệ những người dám làm. Những người thúc đẩy vành đai 3 là những người dám nghĩ, dám làm, dám thúc đẩy tuyến đường quan trọng này.

"Về lợi ích, chúng ta đều thấy vành đai 3 khi được hoàn thiện sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Không chỉ đối với bất động sản, nhà ở mà còn là các khu công nghiệp. Số tiền thuế thu được cho ngân sách sẽ là lợi ích chung mà toàn xã hội được hưởng. Các khu công nghiệp phát triển, kinh tế khu vực phát triển sẽ thể hiện qua việc thu thuế. Vấn đề là chúng ta sử dụng số tiền thuế đó như thế nào để tái đầu tư vào xã hội một cách tốt nhất", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

VietnamFinance