Tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro khi tài sản đảm bảo thiếu bảo đảm

Công ty nọ ký với công ty kia hợp đồng hợp tác đầu tư rồi thế chấp hợp đồng đó cho ngân hàng; doanh nghiệp nọ phát hành cổ phiếu cho doanh nghiệp kia rồi doanh nghiệp kia đem cổ phiếu đi thế chấp cho ngân hàng...Một loạt giao dịch khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại liệu các tài sản đảm bảo mà ngân hàng đang ôm có thật sự đảm bảo không?

Đã 2 tuần trôi qua từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của Tân Hoàng Minh với tổng giá trị 10.030 tỷ đồng nhưng nỗi lo trên thị trường tài chính vẫn chưa hề nguôi. Khi vấn đề trái phiếu được bóc tách kỹ lưỡng hơn, giới tài chính đang nhận ra một sự thật là đằng sau những con số nghìn tỷ trái phiếu là tiền ngân hàng và tiền từ các giao dịch "túi nọ sang túi kia" mang đầy rủi ro tiềm ẩn.

Dấu ấn tiền ngân hàng trong các giao dịch liên quan 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh 

Phải đến khi UBCKNN công bố hủy bỏ 9 lô trái phiếu tổng trị giá 10 nghìn tỷ đồng của Tân Hoàng Minh thì giới đầu tư tài chính mới biết đến Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông (Công ty Cung Điện Mùa Đông), Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách san Soleil (Công ty Soleil). Vì sao những công ty không có tiếng tăm gì trên thị trường đang vay nợ được hàng chục nghìn tỷ đồng? Câu trả lời cuối cùng lại nằm ở việc các công ty này được tập đoàn danh tiếng Tân Hoàng Minh lập ra và vì thế, việc phát hành hàng nghìn tỷ đồng trở nên chóng vánh và các ngân hàng lớn dường như trở thành một phần của việc này.

"Soi" tài sản đảm bảo của bộ 3 công ty nêu trên có thể thấy, nhiều ngân hàng, công ty tài chính cũng đã tham gia ít nhiều vào các giao dịch liên quan đến các công ty kể trên và các lô trái phiếu, dự án của các công ty nói trên. 

Ví dụ điển hình nhất là vào tháng 8/2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank-mã chứng khoán CTG) đã có giao dịch tài sản đảm bảo với Công ty Soleil. Tài sản đảm bảo là Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng hợp tác đầu tư số 02-2021/HĐHTĐT ngày 19/6/2021 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng này (nếu có) mà Soleil đã ký với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc. 

Tháng 10/2021, VietinBank lại tiếp tục có giao dịch tài sản đảm bảo với Soleil với nội dung tương tự "món" thứ nhất, thay thế tên Hợp đồng là 03-2021/HĐHTĐT ngày 01/7/2021.

Công ty Tài chính điện lực-CTCP (EVN Finance-EVF) cũng có giao dịch tài sản đảm bảo với Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa đông trong đó tài sản thế chấp là toàn bộ Quyền tài sản bao gồm quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ Hợp đồng Hợp đồng hợp tác đầu tư số 2010-2021/HĐHTĐT ngày 01/11/2021 của Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông vào dự án khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng thuộc lô A2.2 Dự án Khu Du lịch phức hợp Hoàng Hải, thuộc khu 5, khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) Chi Nhánh Ba Đình hồi năm 2020 cũng có giao dịch đáng chú ý với CTCP Cung Điện Mùa Đông. Theo đó, SHB là bên nhận đảm bảo từ bên đảm bảo là Cung điện Mùa Đông. Tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ phát sinh từ các Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Bên mua. Điều đáng nói là, danh sách 328 căn hộ thuộc dự án D'ELDORADO I đã được Cung điện Mùa đông ký với bên mua đều được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn. Quay trở lại với thông tin hồi mở bán căn hộ thì có thể thấy, dự án chỉ chưa đầy 450 căn hộ nhưng riêng tại SHB đã thế chấp 328 căn hộ. 

Tiếp đến, tháng 12/2021, SHB lại có giao dịch liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tân Hoàng Minh với tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến cho CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN NGÔI SAO VIỆT, Ông Đỗ Hoàng Minh ngày 21/12/2021 và Đỗ Hoàng Việt ngày 30/07/2018. Tài sản trên không phải là chứng khoán đã được đăng ký tập trung tại Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam.

Rủi ro nào khi tài sản đảm bảo không thực sự đảm bảo?

Không ai muốn những con số nghìn tỷ có rủi ro nào đó bởi lẽ, rủi ro liên quan con số nghìn tỷ là rủi ro khá lớn dễ gây ra những hiệu ứng domino, tác động sâu đến nền kinh tế. Nhưng, khi sự việc liên quan đến con số chục nghìn tỷ đồng của Tân Hoàng Minh được cơ quan vào cuộc thì mới thấy, rủi ro tưởng chừng như chỉ liên quan đến Tân Hoàng Minh lại đang len lỏi vào cả các ngân hàng.

Thử quay trở lại ví dụ của SHB nêu trên để nhìn. Việc SHB nhận thế chấp 328/khoảng 450 căn hộ của dự án  D'ELDORADO I từ Công ty Cung điện Mùa đông ngay từ giai đoạn dự án mới mở bán thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu không may chủ đầu tư gặp vấn đề? Ngân hàng sẽ "ôm" đống bất động sản có thể nhiều bất động sản còn đang xây dựng dở dang đó làm tài sản thế chấp? Sau khi Tân Hoàng Minh bị hủy 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu thì các dự án vay vốn tại các ngân hàng sẽ thế nào và SHB sẽ thế nào? 

Hay đặt một giả thuyết khác. Giả sử Cung điện Mùa đông không thành công ngay đợt mở bán và vẫn cần tiền để triển khai. Vậy lúc này giả sử bên bán "bán trên giấy tờ" cho những người liên quan và những người này lại đem căn hộ chưa hình thành này đem thế chấp vay vốn ngân hàng, giải ngân từng lần theo tiến độ...thì thế nào? Giả sử như sau này hàng loạt nỗ lực bán hàng cũng không giúp dự án bán được cho người mua thật sự và bên bán "bị ế hàng" thì lấy tiền đâu để trả nợ cho ngân hàng? 

Vụ việc Tân Hoàng Minh xảy ra cũng đặt ra một câu hỏi, giả sử SHB cho công ty Ngôi sao Việt của Tân Hoàng Minh vay vốn, dùng tài sản thế chấp là cổ phiếu của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến vốn dĩ chưa niêm yết, chưa giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán thì định giá cho cổ phiếu này trên cơ sở nào? Và, Việt Tiến cũng là bên liên quan đến các dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh thì khi Tân Hoàng Minh xảy ra chuyện, tài sản đảm bảo là cổ phiếu Việt Tiến có đảm bảo cho ngân hàng thu hồi về khoản tiền đã cho vay?

Nếu tài sản đảm bảo không đủ sức đảm bảo, tiền ngân hàng cuối cùng sẽ thu hồi về bằng cách nào hay áp lực nợ xấu liệu sẽ ra sao?

Ngô An

Theo Chất lượng và cuộc sống