Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Techcombank đang 'ôm' lượng trái phiếu doanh nghiệp 'khủng'; Nhân viên tại Agribank thu nhập thấp nhất nhóm Big4
Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận quý 1/2022 của 13 ngân hàng; Techcombank đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất; Thu nhập nhân viên Agribank thấp nhất nhóm Big4;... là những tin ngân hàng đáng chú ý trong tuần.
MSB cùng lúc bổ nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc
Ngày 12/4/2022, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chính thức bổ nhiệm bà Đinh Thị Tố Uyên và bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh giữ chức Phó Tổng Giám đốc.
Theo đó, bà Đinh Thị Tố Uyên đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Chiến lược MSB. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh giữ chức Phó Tổng Giám đốc kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng bán lẻ.
MSB cho biết việc bổ nhiệm nằm trong lộ trình quy hoạch nhân sự cấp cao nhằm kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng quy mô và định hướng chiến lược phát triển của ngân hàng trong thời gian tới. Hiện tại, Hội đồng điều hành của MSB có 4 Phó Tổng Giám đốc.
Bà Tố Uyên đã có 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị truyền thông và xây dựng chiến lược, từng nắm giữ các vị trí cao cấp tại các tổ chức uy tín nước trong và quốc tế như Giám đốc Marketing và Thương hiệu Techcombank, Giám đốc Tiếp thị & Phát triển Kinh doanh British Petroleum, Trưởng Phòng Marketing Shell Gas …
Tháng 5/2015, bà gia nhập MSB và giữ chức vụ Giám đốc Khối Marketing & Truyền thông. Tháng 2/2020, bà được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Khối chiến lược.
Bà Mỹ Hạnh đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng, trong đó có 17 năm công tác tại MSB và được tín nhiệm đảm nhận nhiều vị trí quản lý khác nhau như: Giám đốc trung tâm Kênh bán hàng và phân phối; Giám đốc trung tâm Quản lý Phát triển Kinh doanh; Giám đốc Vùng 1, Phụ trách Phòng Huy động vốn thuộc MSB.
Từ tháng 1/2020, bà Hạnh được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng bán lẻ và chính thức giữ vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ từ tháng 12/2020.
Techcombank đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất
Các ngân hàng và công ty chứng khoán hiện là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp khi nắm giữ đến 52% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua, với tổng giá trị lên tới 373.000 tỷ đồng. Trong đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 154.000 tỷ đồng, chiếm 68% trái phiếu ngân hàng phát hành, tập trung vào các trái phiếu kỳ hạn ngắn từ 1 - 4 năm và 153.000 tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.
Đây là những con số được Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) tổng hợp tại bản báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2021.
Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại được SSI Research theo dõi, với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng thương mại đầu tư tính đến hết năm 2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước đó.
Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất đang là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 62.809 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cuối năm 2020. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với lượng trái phiếu nắm giữ gần 43.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 27.782 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 18.577 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank).
Thu nhập nhân viên Agribank thấp nhất nhóm Big4
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2021 của Agribank, thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên ngân hàng năm vừa qua đạt 26,83 triệu đồng/người/tháng, chỉ tăng nhẹ 560.000 đồng so với năm 2020. Mức thu nhập này thấp hơn so với VietinBank (29,74 triệu đồng/tháng), BIDV (28,41 triệu đồng/tháng) và kém khá xa so với Vietcombank (32,69 triệu đồng/tháng).
Tốc độ tăng thu nhập nhân viên Agribank năm 2021 cũng đứng áp chót khi chỉ nhích nhẹ 2,1% trong khi Vietcombank tăng 2,6%, BIDV tăng 8,3% và VietinBank tăng 6,9%.
Tính đến cuối năm 2021, Agribank dẫn đầu toàn hệ thống về số lượng nhân viên làm việc tại ngân hàng mẹ với 38.045 người, cao gấp rưỡi nhà băng đứng kế sau là BIDV (24.688 người). Với số lượng nhân sự này, Agribank đã bỏ xa VietinBank (23.100 người) và gấp hơn 1,8 lần Vietcombank (20.982 người).
Năm 2021, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 14.502 tỷ đồng, tăng 11,8% so với 2020. Tính trung bình, mỗi nhân viên ngân hàng này tạo ra gần 383 triệu đồng lợi nhuận. Con số này thấp hơn nhiều so với BIDV (hơn 511 triệu đồng/người), chỉ bằng hơn một nửa VietinBank (738 triệu đồng/người) và chưa bằng 1/3 hiệu quả kinh doanh của nhân viên Vietcombank (hơn 1,3 tỷ đồng/người).
SSI dự báo lợi nhuận quý 1/2022 của 13 ngân hàng
SSI Research vừa công bố báo cáo ước tính kết quả kinh doanh của 13 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo đó, có 12/13 ngân hàng được dự báo kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương bao gồm: ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, SHB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank. Duy nhất VietinBank là ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận âm do so sánh cùng với nền cao của quý I/2021.
Cụ thể, VPBank (VPB) được dự báo có lợi nhuận cao nhất, đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ; Tiếp đến là Vietcombank (VCB) với lợi nhuận ước tính đạt 9.500-10.000 tỷ đồng, tăng 10-16% so với cùng kỳ.
Techcombank (TCB) được dự báo lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 6.500-6.700 tỷ đồng (tăng 18-21% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm; MBB có thể tăng trưởng tín dụng khoảng 10-11% trong quý đầu năm, giúp ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế ít nhất là 5.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 tại BIDV ước tính đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 23,7% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng tốt; tiếp đến lợi nhuận trước thuế tại ACB ước tính đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
SSI cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của SHB đạt 3.200 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm.
Tại HDBank ước tính đạt 2.300 - 2.400 tỷ đồng (tăng 10-14% so với cùng kỳ); VIB có thể đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; Sacombak ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 1.400-1.500 tỷ đồng, tăng 40-50% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế của MSB dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ); TPBank ước tính lợi nhuận ở mức khá khoảng 14-15% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, với Vietinbank, vào quý I/2021, nhà băng này đứng trong top đầu lợi nhuận với hơn 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, trong quý I/2022, SSI Research cho rằng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này có thể tăng trưởng âm do so sánh với nền cao năm 2021 và do chưa tính phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với Manulife.
SSI Research không đưa ra con số ước tính lợi nhuận quý I/2022 của VietinBank, song với tăng trưởng tín dụng 7% trong quý, lợi nhuận VietinBank sẽ rất khả quan.
Vietcombank muốn chia cổ tức tỷ lệ 18,1% trong năm nay
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Trong đó, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến trình cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).
Thời gian thực hiện là trong năm 2022, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Đối tượng phát hành là các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của VCB tại thời điểm chốt quyền được xác định theo thông báo về ngày chốt quyền của VCB đối với đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ, chia cổ tức tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu và nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt. Các cổ đông này được hưởng quyền theo quy định của pháp luật.
Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ, chia cổ tức tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu và nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ lên 55.891 tỷ đồng.
Nói về sự cần thiết của việc tăng vốn điều lệ, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, ngày 23/12/2021, Vietcombank đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, nâng mức lên hơn 47,3 nghìn tỷ. Hiện tại, VĐL của Vietcombank đang thấp hơn ~10.800 tỷ đồng so với mức kế hoạch tại Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020.
Trên 90% các ngân hàng đã cam kết miễn phí giao dịch cho khách hàng
Tại tọa đàm "Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch", ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định, thời gian qua hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã triển khai một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, Napas đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các Bộ/Cục/cơ quan cung cấp dịch vụ công để ứng dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến. Có 5 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí.
Đáng chú ý, hiện nay, trên 90% các ngân hàng đã cam kết miễn phí giao dịch cho khách hàng.
Nói về các giải pháp khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động TTKDTM, ông Lê Thanh Hà, đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, để khuyến khích khách hàng tham gia TTKDTM vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm chính sách giá đưa đến người dân giá hợp lý và an toàn nhất.