Tiếp tục được gia hạn thí điểm: Mobile money còn trụ được bao lâu?
Các đơn vị cung ứng Mobile Money phải tìm một hướng đi mới sau khi tiếp tục được gia hạn thí điểm trước sức ép từ sự phát triển như vũ bão của ngân hàng số, ví điện tử.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 87 về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - Mobile Money.
Theo đó, các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận triển khai thí điểm Mobile Money tiếp tục thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về dịch vụ Mobile Money theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đây là lần thứ 2, dịch vụ Mobile Money được tiếp tục gia hạn thí điểm. Hiện chỉ có 3 doanh nghiệp viễn thông là các tập đoàn, Tổng công ty có vốn nhà nước, bao gồm Viettel, VNPT-Media và MobiFone cung ứng dịch vụ này.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tổng số tài khoản Mobile Money đạt hơn 9,8 triệu tài khoản, trong đó, có tới gần 7,1 triệu tài khoản (tương đương 71,73%) thuộc các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile Money tăng mạnh qua các năm, lên tới hơn 275.000 đơn vị. Tổng giá trị giao dịch trong thời gian thí điểm đạt hơn 5.685 tỷ đồng với 159 triệu lượt giao dịch.
Giới phân tích nhận định, việc tiếp tục được gia hạn là tin vui với những nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money. Tuy nhiên, để dịch vụ này có thể “trụ vững” trong cuộc đua ngày càng khốc liệt không phải là một bài toán dễ giải.
Mục tiêu của dịch vụ Mobile Money là nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đồng thời, tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Thời điểm mới ra mắt, Mobile Money có nhiều lợi thế, chẳng hạn như tận dụng được sóng viễn thông 2G hay các ngân hàng và ví điện tử chưa được phép triển khai mở tài khoản từ xa. Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc đua cung cấp dịch vụ tài chính đã có nhiều thay đổi khi ngân hàng số và ví điện tử với các công nghệ mới đang chiếm thế “thượng phong” so với Mobile Money. Người dùng có thể dễ dàng tiếp tục tiếp cận các dịch vụ tài chính chỉ với một chạm thông qua điện thoại thông minh.

Cùng với sức ép từ sự phát triển như vũ bão của ngân hàng số, ví điện tử, biên lợi nhuận mà dịch vụ này mang lại cũng không cao. Những lợi thế ban đầu dần "mờ nhạt" buộc các đơn vị cung ứng phải tìm cho Mobile Money một hướng đi mới.
Trong một trao đổi với VietnamFinance, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn FPT Digital, Tập đoàn FPT cho rằng, việc cân nhắc chuyển hướng chiến lược, chẳng hạn như hợp tác với ngân hàng, ví điện tử, sẽ là một hướng đi tạm thời cho Mobile Money.
Thực tế cho thấy, các nhà cung ứng dịch vụ Mobile Money như Viettel, VNPT-Media hay Mobifone cũng đã bước đầu hợp tác với nhiều ngân hàng và ví điện tử để mở rộng hệ sinh thái Mobile Money. Điển hình là Viettel Money cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với một số ngân hàng, ngân hàng số, ví điện tử nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Trong tháng 10/2024, Viettel Money và LPBank đã hợp tác ra mắt sản phẩm Tiết kiệm. Trước đó, Viettel Money cũng đã hợp tác với ngân hàng số Cake by VPBank để triển khai tính năng “Ví trả sau” trên ứng dụng Viettel Money.
Một hướng đi khác của Mobile Money là mở rộng ra thị trường quốc tế, tận dụng cơ hội hợp tác để triển khai cho các nước đang phát triển có hạ tầng công nghệ còn thấp, trên nền 2G, và dịch vụ tài chính chưa phát triển. Điều này giống như việc M-Pesa đã làm được tại Kenya, ông Hậu gợi mở.