Tin bất động sản hôm nay ngày 22/7: Kiên Giang hút vốn đầu tư của nhiều “ông lớn” Vingroup, Sun Group, Bim Group...

Kiên Giang hút vốn đầu tư của nhiều “ông lớn” Vingroup, Sun Group, Bim Group...;Rà soát, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng trên tuyến đường Lê Văn Lương; Quảng Ngãi chấn chỉnh tình trạng "ôm đất" chờ quy hoạch; Quảng Ninh kiên quyết rà soát, xử lý dự án chậm tiến độ;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 22/7.

Kiên Giang hút vốn đầu tư của nhiều “ông lớn” Vingroup, Sun Group, Bim Group,…

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang,  tỉnh này đang đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Long An và thành phố Cần Thơ trong việc thu hút đầu tư.

Kiên Giang đã có  778 dự án trên các lĩnh vực, với quy mô 31.760 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 578.590 tỷ đồng, trong đó, có 356 dự án đi vào hoạt động, với quy mô khoảng 14.600 ha, tổng vốn đầu tư hơn 109.214 tỷ đồng.

Kiên Giang đã đón nhận nhiều doanh nghiệp bất động sản tới đầu tư như Vingroup, Sungroup, Bimgroup, Ceogroup, Phú Cường Group, CIC Group... Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang đi vào hoạt động như Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Casino Phú Quốc, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay, khu lấn biển phát triển đô thị tại TP Rạch Giá...

Nhiều ông lớn bất động sản đang tìm về Kiên Giang đầu tư dự án.  
Nhiều ông lớn bất động sản đang tìm về Kiên Giang đầu tư dự án.  

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp, trong đó đã đi vào hoạt động 2 khu công nghiệp là Thạnh Lộc (Châu Thành) và Thuận Yên (TP Hà Tiên) với tỷ lệ lắp đầy lần lượt là 67% và 26%.

Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Kiên Giang đang kêu gọi 55 dự án đầu tư trên các lĩnh vực như khu dân cư, khu đô thị mới; văn hóa - thể dục thể thao, cấp nước nông thôn, du lịch, thương mại, môi trường, sản xuất công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật khu và cụm công nghiệp, bến xe, nhà ở và phát triển đô thị, giáo dục và đào tạo...

Cụ thể là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu thương mại dịch vụ thuộc Tổ hợp Khu công nghiệp Xẻo Rô, diện tích 71 ha, tổng vốn đầu tư 1.280 tỷ đồng; nhà máy sản xuất lắp ráp hàng điện tử, máy tính (Khu công nghiệp Thạnh Lộc - giai đoạn 1), diện tích 5 ha, vốn đầu tư 230 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm (khu công nghiệp Thạnh Lộc - giai đoạn 2), diện tích 2 ha, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng; khu công nghiệp Xẻo Rô quy mô 120 ha, vốn đầu tư 3.610 tỷ đồng; khu công nghiệp Thạnh Lộc (giai đoạn 2), quy mô 100 ha, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng; khu nhà ở công nhân và tái định cư Thạnh Lộc (Châu Thành) hơn 60 ha, tổng vốn đầu tư 3.695 tỷ đồng…

Rà soát, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng trên tuyến đường Lê Văn Lương

Thực hiện nội dung kết luận số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận hiện có 5 dự án còn tồn tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận 39 này.

Quyết tâm xử lý sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương.  
Quyết tâm xử lý sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương.  

Để chủ động xử lý dứt điểm các vi phạm, UBND quận Cầu Giấy và phường Trung Hòa đã làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư có liên quan để triển khai việc tổ chức thực hiện, lập biên bản kiểm tra hiện trạng, biên bản vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, ngày 8/7/2022, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành 5 Quyết định số: 121/QĐ-KPHQ, 122/QĐ-KPHQ,123/QĐ-KPHQ, 124/QĐ-KPHQ, 125/QĐ-KPHQ, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 5 chủ đầu tư của các dự án còn tồn tại vi phạm trật tự xây dựng.

Cụ thể các dự án: Trung tâm dịch vụ số 1 - lô đất TN1 khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính; khu công viên giải trí số 1 - lô đất CX2; cải tạo, mở rộng quy mô đào tạo trường Mầm non Lý Thái Tổ tại lô đất NT2; Trung tâm dịch vụ số 2 tại ô đất TN2; cải tạo Trường Tiểu học lý Thái Tổ.

Tại ô đất CX2  thuộc dự án Khu công viên giải trí số 1, Công ty cổ phần bể bơi thông minh đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ công trình nhà 1 tầng tại ô đất CX2A (diện tích 160m2), 2 hạng mục diện tích 126m2 và đang tiếp tục tháo dỡ các hạng mục còn lại tại ô đất CX2B. Tại Trường Mầm non Lý Thái Tổ (ô đất NT2), Công ty Vinaconex đã tiến hành tháo dỡ hạng mục khung sắt mái tôn tại tầng 2 nhà hiệu bộ diện tích 30 m2. Và tại trường Tiểu học Lý Thái Tổ, chủ đầu tư cũng tháo dỡ xong công trình khung thép, mái lợp tôn nằm giữa nhà ăn và tường rào với diện tích 170 m2…

Còn tại Dự án cải tạo Trường Tiểu học lý Thái Tổ, chủ đầu tư xây dựng hành lang nối nhà hiệu bộ 4 tầng với nhà học 4 tầng, quây tôn thành phòng sai Giấy phép xây dựng số 142/GPXD ngày 28/11/2017 do Sở Xây dựng Hà Nội cấp. Đồng thời, xây dựng 2 công trình sai tổng mặt bằng được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 3997 /QHKT-TMB-PAKT ngày 23/6/2017.

Còn tại Dự án Trung tâm dịch vụ số 2 tại ô đất TN2 (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính), lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư Phúc Thanh đã xây dựng công trình sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận.

"Cùng với việc xử lý các công trình vi phạm theo Kết luận 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng, quận đang tiếp tục rà soát các công trình vi phạm trật tự xây khác còn tồn tại trên địa bàn để xử lý kiên quyết; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh mới, gây bức xúc trong dư luận", Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà nhấn mạnh.

Quảng Ngãi: Chấn chỉnh tình trạng "ôm đất" chờ quy hoạch

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Thông báo số 296/TB-UBND về kết luận và chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đối với công tác quản lý, sử dụng đất ven biển trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chặt chẽ. Một số nơi đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất. Đặc biệt là tình trạng đất chuyên trồng lúa nước, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mang tính đầu cơ, trục lợi hoặc có hành vi “ôm đất” chờ quy hoạch nhằm mục đích kiếm lời, hưởng lợi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, làm cho tình hình quản lý đất đai diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất thực hiện các dự án.

Trước thực tế trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yều cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức rà soát các quy hoạch, các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị để chỉ đạo, hướng dẫn và chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất ven biển trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh kiên quyết rà soát, xử lý dự án chậm tiến độ

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, để nguồn tài nguyên đất đai sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ công tác rà soát, xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, không còn phù hợp với định hướng phát triển mới.

Đặc biệt, định kỳ 6 tháng/lần, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghe báo cáo kết quả rà soát và có ý kiến chỉ đạo xử lý đối với từng nhóm dự án như: chậm dưới 1 năm, chậm từ 1 đến 2 năm, chậm từ 2 đến 5 năm và chậm trên 5 năm, đảm bảo theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Được biết, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra trình UBND tỉnh thu hồi đất đối với 432 dự án, tổng diện tích 12.000ha (124 dự án chậm tiến độ, 300 dự án hết thời hạn thuê đất không được gia hạn hoặc tự nguyện trả đất). Các sở, ban, ngành đã có quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 135 dự án; thu hồi, hủy bỏ 87 quy hoạch và 162 địa điểm. Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường, việc xử lý các dự án chậm tiến độ có hiệu quả nhất định song vẫn còn những tồn tại, vướng mắc.

Để khắc phục, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh sẽ làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với từng dự án cụ thể. Cùng với đó yêu cầu UBND các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện...

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống