Tin bất động sản hôm nay ngày 4/7: Hà Nội khởi động 'siêu' dự án đường Vành đai 4

Hà Nội khởi động ‘siêu’ dự án đường Vành đai 4; Điểm mặt các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang đất ở Quảng Ninh; Hé lộ khu vực có giá bất động sản “mềm” nhất TP Hồ Chí Minh; Bắc Giang tìm chủ cho nhà ở xã hội hơn 3.200 tỷ tại huyện Việt Yên;… là những thông tin đáng chú ý.

Hà Nội khởi động ‘siêu’ dự án đường Vành đai 4

Sau khi dự án đường Vành đai 4 được Quốc hội thông qua và ra Nghị quyết thực hiện, UBND thành phố Hà Nội đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án.

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố vừa hình thành và ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện dự án. Do có quy mô, phạm vi lớn cũng như tính chất quan trọng của dự án nên Bí thư Thành ủy Hà Nội được cử làm Trưởng Ban chỉ đạo, các đồng chí Phó Bí thư trong đó có Chủ tịch UBND thành phố khi được kiện toàn sẽ là phó ban.

Các Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội sẽ làm trưởng các tổ công tác chuyên ngành. Chẳng hạn như Tổ công tác chỉ đạo thực hiện dự án sẽ do Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm tổ trưởng; Tổ công tác chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ do Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông làm tổ trưởng… Các Bí thư quận, huyện mà dự án đi qua và giám đốc các sở, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo…

Tin bất động sản hôm nay ngày 4/7: Hà Nội khởi động 'siêu' dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 1Ảnh minh họa.

Thành phố xác định thời gian thực hiện dự án khoảng 5 năm, thời gian bắt đầu thực hiện là từ năm 2022, do vậy việc triển khai, hoàn thành các phần việc được giao tại dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín cá nhân của mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo được giao nhiệm vụ.

Một trong những nhiệm vụ trước mắt, quan trọng nhất là Ban hành kế hoạch tổ chức, thực hiện, sau đó khẩn trương xác định, công bố chỉ giới đường đỏ, tổ chức cắm mốc làm cơ sở để thực hiện GPMB phục vụ dự án.

Điểm mặt các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang đất ở Quảng Ninh

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiều cử tri tại Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí gửi kiến nghị về một số dự án chậm tiến độ trên địa bàn gây ảnh hưởng về môi trường và lãng phí tài nguyên đất.

Theo đó, cử tri thị xã Quảng Yên có kiến nghị về dự án khu dân cư đầm Liên Minh và dự án khu trung tâm dân cư thể thao công viên phường Quảng Yên triển khai từ năm 2005 nhưng đến nay các dự án chưa hoàn thiện.

Tương tự, cử tri TP Hạ Long cũng kiến nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét, thu hồi dự án Bệnh viện quốc tế Hạ Long bởi dự án Bệnh viện quốc tế Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2013 với kinh phí 69 triệu USD, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2018. Tuy nhiên đến nay, công trình này mới xây dựng được 4/26 hạng mục, đang bị bỏ hoang, xuống cấp.

Dự án Bệnh viện quốc tế Hạ Long tọa lạc tại khu 2, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty TNHH Đầu tư chuyển giao công nghệ cuộc sống Hạ Long làm chủ đầu tư. Do chậm triển khai trong nhiều năm, Dự án Bệnh viện quốc tế Hạ Long trị giá hàng chục triệu USD đang xuống cấp, cỏ lau mọc um tùm.

Tin bất động sản hôm nay ngày 4/7: Hà Nội khởi động 'siêu' dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 2Nhiều dự án tại Quảng Ninh chậm tiến độ, bị bỏ hoang thời gian dài (Ảnh minh họa).

UBND TP Móng Cái cũng vừa có báo cáo các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn. Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn TP Móng Cái có 28 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ do Sở TN&MT theo dõi; 20 dự án chậm tiến độ đã có quyết định thu hồi đất do Sở TN&MT theo dõi; 16 địa điểm nghiên cứu quy hoạch và 3 quy hoạch do Sở Xây dựng theo dõi đang chậm tiến độ; 15 dự án đã có quyết định/văn bản thu hồi địa điểm nghiên cứu/hủy bỏ quy hoạch…

Đáng chú ý, trong danh sách vừa nêu có dự án Bến cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường Bình Ngọc do Công ty TNHH Hương Anh làm chủ đầu tư, đã chậm tiến độ gần 22 năm so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.

Ngày 24/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra thực tế đối với dự án này, trong đó chỉ rõ các nội dung chậm tiến độ đối với dự án: Đối với bến bãi số 2 và bến bãi số 3 đã chậm tiến độ hơn 4 năm; đối với bến bãi số 1 và bến bãi số 4, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Móng Cái chưa lập phương án đền bù GPMB, UBND TP Móng Cái chưa thu hồi đất, chủ đầu tư chưa được UBND tỉnh cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án đến nay đã chậm hơn 5 năm so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.

Còn tại TP Uông Bí, cử tri kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại việc sử dụng đất của Công ty Sông Đà 2 đang gây lãng phí đất đai, mất mỹ quan đô thị. Nằm ngay cạnh QL18, ở một vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố, khu đất mà Công ty Sông Đà 2 thuê có diện tích khoảng 2.000m2, đang bị bỏ hoang, không người trông coi, cây cối mọc um tùm, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân giáp ranh dự án.

Long An lập quy hoạch khu đô thị mới Tân Mỹ 930ha giáp ranh TP Hồ Chí Minh

UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị mới Tân Mỹ, tỉ lệ 1/2000. Việc lập quy hoạch phân khu làm cơ sở triển khai các thủ tục liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, khu đô thị mới Tân Mỹ có diện tích khoảng 930,89ha, quy mô dân số 80.000 – 99.000 người, thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Khu vực lập quy hoạch sẽ được chia thành 3 phân khu chức năng, bao gồm:

Khu đô thị cửa ngõ phía Nam (Khu A) nằm ở khu vực cửa ngõ phía Nam khu vực, giáp tuyến đường tỉnh 825 với diện tích khoảng 111,37ha. Định hướng là khu đô thị mật độ cao, với các tổ hợp công trình dịch vụ, công cộng hiện đại, các cụm công viên cây xanh theo chủ đề làm lõi trung tâm cho các nhóm nhà ở.

Khu đô thị trung tâm – Đô thị sinh thái (Khu B), nằm ở khu vực trung tâm đô thị mới Tân Mỹ, được tính từ ranh phía Đông đến bờ kênh Chính Đức Hòa với diện tích khoảng 641,22 ha.

Định hướng phát triển khu vực này theo mô hình đô thị sinh thái, mật độ thấp, với các loại hình nhà ở chủ yếu như nhà biệt thự, nhà vườn. Khu công viên trung tâm được đặt vị trí lõi khu đô thị, là không gian xanh, cung cấp các loại hình dịch vụ vui chơi, thư giãn cho người dân; tạo không gian sống xanh, đẹp.

Khu đô thị mới phía Đông Nam (Khu C) nằm ở khu vực phía Đông Nam, ranh giới được tính từ tuyến đường chính đô thị chạy hướng Bắc – Nam đến ranh giới phía Đông Nam của khu đô thị mới Tân Mỹ với diện tích khoảng 178,31 ha.

Chủ đầu tư lập quy hoạch là UBND huyện Đức Hòa. Đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần kiến trúc, đầu tư và thương mại Việt Nam (Varic).

Bắc Giang tìm chủ cho nhà ở xã hội hơn 3.200 tỷ tại huyện Việt Yên

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang vừa thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án Khu nhà ở xã hội số 1 tại khu đô thị và nhà ở xã hội Vân Trung, huyện Việt Yên.

Theo đó, dự án có quy mô 5,65 ha. Trong đó một lô đất OXH-01 dự kiến xây dựng 4 khối nhà ở xã hội cao tầng để bán và cho thuê, khối nhà cao 18 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng 15.424 m2; tổng diện tích sàn khoảng 253.161 m2.

Tại lô đất OXH-04 xây dựng hai khối nhà ở chung cư thương mại hỗn hợp, cao 18 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng 3.586 m2, tổng diện tích sàn xây khoảng 64.038 m2.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 3.238,5 tỷ đồng. Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất giao thông.

Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhà đầu tư dự án; hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng; hoàn thành xây dựng công trình là 42 tháng kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư.

Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 2/8/2022.

Khu vực nào giá bất động sản đang mềm nhất TP Hồ Chí Minh?

Tại hội thảo mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Vietnam thừa nhận, giá nhà phố, biệt thự tại TP Hồ Chí Minh tăng cao đi cùng với nguồn cung ngày càng hạn hẹp. Giá sản phẩm trung bình 200-400 triệu đồng/m2, đặc biệt có những căn biệt thự lên đến 700 tỉ đồng/căn, tạo ra mức giá mới trên thị trường BĐS liền thổ TP Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, 3 trục thị trường bất động sản chính của TP Hồ Chí Minh là khu Đông, khu Tây và khu Nam đang diễn biến khá khác biệt nhau trong những năm qua.

Nếu khu Đông TP Hồ Chí Minh cả nguồn cung và giá biến động liên tục thì khu Tây và Nam lại bình lặng về nguồn cung. Mức giá BĐS các khu vực này cũng tăng trưởng ổn định ở phân khúc căn hộ thay vì ồ ạt lên xuống như khu Đông. Đây cũng chính là khu vực có mức giá BĐS được xem là còn mềm của TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu ở thực.

Ghi nhận cho thấy, tại khu Đông Sài Gòn, cụ thể tại TP.Thủ Đức, giá căn hộ, theo báo cáo của batdongsan.com.vn cuối năm 2021 trung bình vào khoảng 85,6 triệu mỗi m2. Đơn cử dự án The River Thủ Thiêm gồm 525 căn hộ diện tích từ 54 – 300 m2 chào giá thấp nhất là hơn 82 triệu đồng/m2 và cao nhất là khoảng 180 triệu đồng/m2.

Tại khu vực P.Thảo Điền, P.An Phú, P.An Khánh mức giá bán cũng đã thiết lập mặt bằng mới. Nếu như trong năm 2021 giá bán cao nhất tại đây khoảng 100 triệu đồng/m2 thì nay bình quân đã trên dưới 120 triệu đồng/m2. Chẳng hạn như dự án Masteri Lumiere Riverside, có mức giá bình quân khoảng trên 120 triệu đồng/m2.

Mức giá sơ cấp cao nhất ở khu vực này phải kể đến dự án Empire City gần 9.000 USD/m2. Dự án The Metropole với mức giá ghi nhận gần nhất khoảng 8.000 – 8.500 USD/m2. Dự án The River mức giá khoảng 7.000 USD/m2.

Tại 2 khu vực là khu Tây và Nam TP Hồ Chí Minh giá BĐSlại không quá nóng như khu Đông. Mức giá trung bình tại các khu vực này đạt khoảng 50-60 triệu đồng/m2 (tùy vị trí, dự án).

Đất nền tăng giá khắp nơi nhưng ít người quan tâm hơn

Theo ước tính của Batdongsan.com.vn. trong quý II, đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá năm 2021.

Tin bất động sản hôm nay ngày 4/7: Hà Nội khởi động 'siêu' dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 3

Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt tăng 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.

TP HCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý II ở nhiều khu vực đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, mặc dù quan tâm đến BĐS có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều tỉnh thành trong quý II so với cùng kỳ năm trước nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.

Cũng theo báo cáo của đơn vị này, thị trường đất nền toàn quốc trong quý II ghi nhận mức độ quan tâm ước tính giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý II/2019 – thời kỳ trước dịch Covid-19. Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá BĐS tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm BĐS tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao.

Minh Thu (T/H)

Theo Kinh doanh và phát triển