Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Cảnh báo rủi ro đầu tư vào Bất động sản Nhật Nam
Cảnh báo rủi ro đầu tư sản phẩm của Bất động sản Nhật Nam; Ngân hàng được “nới room” - tin vui với bất động sản; Quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm thành đô thị sân bay… là những tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Ngân hàng được “nới room” - tin vui với bất động sản
Ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị. Các ngân hàng đã lần lượt thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng như Sacombank 4%, Agribank 3,5%, MB 3,2%, Vietcombank 2,7%, TPBank 1,2%, SHB 3,2%, OCB 3,1%, VIB 3%…
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản.
Room tín dụng được nới là thông tin được người dân và nhiều doanh nghiệp mong đợi từ lâu, đặc biệt là các chủ đầu tư địa ốc. Bất động sản đã chứng kiến sự ảm đạm trong suốt mấy tháng nay khi thanh khoản gần như đóng băng, nếu được tiếp thêm vốn, thị trường dự báo sẽ dần phục hồi trở lại.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.
Đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án…
Cảnh báo rủi ro đầu tư sản phẩm của Bất động sản Nhật Nam
Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình mới đây đã ban bố văn bản về việc xử lý nội dung có liên quan tới CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam khi doanh nghiệp này có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế.
Tỉnh Hoà Bình cho biết tại Công văn số 518/ĐK ngày 4/8/2022, Cục An ninh Kinh tế - Bộ Công an xác định, Bất động sản Nhật Nam trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM do bà Vũ Thị Thúy làm người đại diện theo pháp luật có hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với các nội dung như: Yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế. Hành vi này được cơ quan chức năng xác định tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Hiện nay, công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều NĐT với lợi nhuận khủng lên đến 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi BĐS.
Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. “Tuy nhiên, Bất động sản Nhật Nam sử dụng tài khoản cá nhân của Giám đốc Vũ Thị Thuý mà không sử dụng tài khoản doanh nghiệp để chi trả lợi nhuận. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Luật Quản lý thuế”, văn bản nêu rõ. “Cách thức huy động vốn của Công ty Nhật Nam tương tự mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến khi doanh nghiệp hết khả năng chi trả cho nhà đầu tư”.
Căn cứ vào nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng của Công ty Nhật Nam, cũng như các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; thực hiện rà soát các cổ đông góp vốn có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Không chỉ Hòa Bình, vừa qua, Công an huyện Bảo Yên (Lào Cai) cũng đã ban hành văn bản với nội dung tương tự, cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia góp vốn với Bất động sản Nhật Nam.
Quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm thành đô thị sân bay
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1052/QĐ-TTg ngày 7/9/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích khoảng 54.719,4 ha thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện Cam Lâm.
Mục tiêu quy hoạch nhằm hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Trong đó, phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như AI, năng lượng xanh...
Phát triển đô thị thông minh - sinh thái - bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Phát triển khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thành Khu du lịch quốc gia. Tạo dựng hệ sinh thái đa dạng các loại hình du lịch, thương mại cùng với các tiện ích đô thị, giá trị cảnh quan ven biển; phát triển đô thị mới Cam Lâm với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ…
Nghệ An xử lý dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích
UBND tỉnh Nghệ An vừa giao các sở, ban ngành và Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, thị xã nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn; không xem xét chấp thuận các dự án mới cho những chủ đầu tư có vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch xây dựng và thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng; thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn giao các ngành liên quan hoàn thiện phần mềm quản lý dự án đầu tư trên địa bàn để theo dõi, cập nhật thông tin dự án, phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nói chung và dự án sử dụng đất nói riêng.
Rà soát, tổng hợp những nội dung chống chéo, bất cập trong văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để sửa đổi, bổ sung kịp thời; rà soát, phân loại dự án chậm tiến độ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những dự án chậm tiến độ vì nguyên nhân khách quan, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị bổ sung quy định đặt cọc mua, bán nhà “trên giấy”
Mới đây, cử tri TP.HCM đã có những kiến nghị liên quan đến luật hóa căn hộ du lịch, đặt cọc mua nhà trong tương lai và thanh toán qua ngân hàng.
Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định chỉ được quy định chi tiết những nội dung, điều, khoản của Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.
Trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 chưa có quy định hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về “đặt cọc” và “thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng”.
Do vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, chưa có cơ sở xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung các nội dung này vào quy định của Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH14 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).